Thủy điện nhỏ có phải là nguyên nhân gây lũ lụt tại miền Trung?
Quảng Nam: Thủy điện Đăk Mi 4 xả tràn, hạ du đối diện đợt lũ lịch sử Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Không khuyến khích phát triển thủy điện nhỏ bằng mọi giá |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam khẳng định: "Không có nghiên cứu nào cho thấy thủy điện nhỏ làm tăng ảnh hưởng của lũ lụt hay tạo ra lũ lụt, thậm chí thủy điện còn có tác dụng ngăn lũ, giảm lũ".
TS Vũ Thanh Ca cho biết, nghiên cứu hồ chứa thuỷ điện tại Châu Âu cho thấy, không có bất cứ thông tin nào nói rằng, hồ thủy điện làm tăng lũ lụt; thậm chí thủy điện có tác dụng giảm lũ tại những quốc gia, vùng có làm thuỷ điện. Các hồ thủy điện nhỏ dù ít hoặc không có khả năng chống lũ nhưng cũng không gây gia tăng lũ lụt. Đặt vấn đề về ảnh hưởng của thủy điện trong việc phá rừng và đây có thể là nguyên nhân gây lũ lụt?
Ông Vũ Thanh Ca nhấn mạnh: Rừng chỉ có tác dụng với lũ nhỏ và lượng nước rừng giữ lại được không quá lớn. Có một thông tin ông Ca cho là quan trọng, rất đáng lưu ý là Hiệp hội Quốc tế Các tổ chức nghiên cứu rừng kết luận rằng: Rừng có khả năng giảm lũ và điều tiết lũ nhưng rừng không có khả năng tác động tới lũ với dạng lũ cực đoan, lũ lịch sử như ở miền Trung hiện nay.
Quang cảnh buổi tọa đàm "Thủy điện và vấn đề lũ lụt" |
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế xây dựng các công trình điện cho rằng, cần khuyến khích các thủy điện nhỏ vì đây là nguồn năng lượng tái tạo quý giá, sạch nhất trong các nguồn năng lượng.
Ông Sơn cho biết, thực tế, thủy điện cần rừng vì giữ được nước để không quá thừa hay quá thiếu. Từ thực tiễn làm và tư vấn, ông Sơn cho biết, thủy điện nhỏ hầu như không mất rừng vì chủ yếu sử dụng hành lang lũ, bình quân 1,9ha rừng cho 1KW điện.
Về thông tin Rào Trăng 3 gây lũ lụt miền Trung, ông Sơn chia sẻ, tới thực địa có thể thấy Rào Trăng 3 chưa xây xong nên không thể nói là nguyên nhân gây ra lũ miền Trung.
"Những tai nạn chủ yếu nằm trên quốc lộ 71. Còn công trình Rào Trăng 3 còn chưa đi vào sử dụng và đang không hề bị ảnh hưởng gì", ông Sơn nói. Theo đó, ông Sơn khẳng định rằng, thiệt hại gần đây ở miền Trung là do thiên tai, nguyên nhân không phải do xây dựng các nhà máy thủy điện.
Các chuyên gia chia sẻ tại buổi tọa đàm |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Đức Quân – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công thương cho rằng, rõ ràng là sự hiểu không đúng và không đủ về thủy điện dẫn đến thông tin sai lệch, cứ thấy lũ, lụt thì đổ cho thủy điện là không chính xác. Có thể ví dụ các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang… đã chống lũ rất hiệu quả cho khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Nếu không có các công trình trên thì Đồng bằng sông Hồng, trong đó có Thủ đô Hà Nội thường phải đối mặt với lũ lụt mà điển hình như trận lũ vào các năm 1969, 1971 đã gây thiệt hại lớn...
Nói về quy hoạch và vận hành thuỷ điện nhỏ và vừa trên các hệ thống sông ở miền Trung và Tây Nguyên, ông Quân cho rằng, khu vực miền Trung với điều kiện tự nhiên mưa lũ lớn, lại có địa hình lòng sông hẹp và độ dốc dọc lớn, qua nghiên cứu cho thấy việc xây dựng các hồ chứa để chống lũ lớn là rất khó khăn do phải xây dựng đập cao, không khả thi về kinh tế và tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội.
Ông Quân cũng khẳng định, các công trình thủy điện tại miền Trung đã vận hành góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, điều tiết mức giá điện hợp lý, đóng góp tỷ lệ cao trong nguồn thu ngân sách của các địa phương liên quan, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân, chăm sóc bảo vệ rừng đầu nguồn...