Tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc làm
Sớm nghiên cứu nguồn kinh phí hỗ trợ người lao động mất việc làm
Những tháng cuối năm 2022, tại một số tỉnh trên địa bàn cả nước xuất hiện tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến việc cắt giảm lao động.
Hà Nội thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, chuyên đề để hỗ trợ người lao động tìm việc |
Báo cáo của các cấp công đoàn, từ tháng 9 đến ngày 10/12/2022, có trên 482.000 người lao động bị thiếu việc, nghỉ việc, luân phiên, chấm dứt hợp đồng lao động; trong đó có trên 41.600 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Tại Hà Nội, thống kê từ các quận, huyện, thị xã, tính đến ngày 15/11/2022 có 31 doanh nghiệp tương đương với 13.016 người lao động (dệt may, điện tử, cơ khí,…) phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Trước tình hình đó, ngày 12/1/2023, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản 235/VPCP-KGVX báo cáo về tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Ủy ban Quan hệ lao động nghiên cứu, khuyến nghị nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bên liên quan trong việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, việc làm.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp, trường hợp cần thiết đề xuất biện pháp hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm nghiên cứu sử dụng nguồn kinh phí công đoàn để hỗ trợ đoàn viên và người lao động bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo sớm ổn định cuộc sống, đón Tết đầm ấm.
Thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm
Tại Hà Nội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu và tổ chức nhiều giải pháp và biện pháp để hỗ trợ người lao động sớm có việc làm và người sử dụng lao động.
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tham quan phiên giao dịch việc làm tại quận Tây Hồ |
Điển hình như thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, phiên giao dịch việc làm chuyên đề tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội và 14 điểm sàn vệ tinh trên địa bàn thành phố với nhiều chỉ tiêu tuyển dụng để giúp người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.
Cụ thể, tại phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ, các doanh nghiệp tuyển dụng trên 1.900 chỉ tiêu với đa dạng vị trí, ngành nghề, với các mức lương hấp dẫn tùy theo từng vị trí công việc.
Ngay đầu năm 2023, vào ngày 4/1, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Phiên Giao dịch việc làm chuyên đề việc làm bán thời gian với sự tham gia của 30 đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng khoảng 2.000 chỉ tiêu, trong đó hơn 500 chỉ tiêu tuyển dụng nhân viên làm việc partime. Các vị trí việc làm đa dạng ngành nghề bán thời gian như nhân viên bán hàng, giao nhận, thu ngân, tạp vụ, dọn vệ sinh,…
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các chương trình hỗ trợ trực tiếp người lao động bị mất việc làm giảm bớt khó khăn thì biện pháp tích cực nhất là phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp với có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.