Tiền Giang chú trọng giao thông kết nối liên vùng
Tiền Giang: GRDP 9 tháng năm 2024 tăng 6,18% |
Làm đường cao tốc “đi sau về trước”
Ngày 16/10/2024, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Trong đó, 8/9 dự án đang thi công, có dự án thành phần 2 thuộc đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và dự án cầu Rạch Miễu 2 nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị ngày 16/10/2024 tại TP Cần Thơ đã hoan nghênh tỉnh Tiền Giang làm đường cao tốc “đi sau về trước” |
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, tỉnh sẽ cung cấp 15,9 triệu m3 cát cho 5 dự án giao thông trọng điểm. Đến nay, Tiền Giang phối hợp với các địa phương và chủ đầu tư thực hiện thủ tục khai thác. Ngày 9/10, tỉnh đã khởi công khai thác mỏ cát đầu tiên (mỏ Hòa Hưng 5), các mỏ khác sẽ khai thác từ cuối tháng 10/2024.
“Trong việc cung ứng cát, lúc đầu tỉnh Tiền Giang làm chậm do phải tuân theo các quy định của pháp luật khá phức tạp. Tuy nhiên, tỉnh đã nỗ lực rút ngắn thời gian rất nhiều và đạt kết quả nhanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nói.
Với 2 dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh, dự án cầu Rạch Miễu 2 đã hoàn thành thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi trả tiền cho người dân bị ảnh hưởng, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công.
Dự án thành phần 2 thuộc đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 đã khởi công ngày 12/8/2024, nguồn cát chuẩn bị xong.
Năm 2024, Trung ương phân bổ cho Tiền Giang 2.031 tỷ đồng để thực hiện dự án này, hiện đã giải ngân 2.013 tỷ đồng. Các nhà thầu đang tập trung thi công, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ tỉnh khoảng 200 tỷ đồng để thanh toán khối lượng thi công cho dự án thành phần 2 từ nay đến cuối năm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải ứng vốn cho tỉnh Tiền Giang thực hiện dự án thành phần 2 thuộc đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. “Chính phủ hoan nghênh Tiền Giang đi sau về trước. Tỉnh khởi động sau nhưng làm rất nhanh”, Thủ tướng nói.
Nâng cấp các đường tỉnh kết nối liên vùng
Đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh giới với tỉnh Long An dài 12,25km được mở rộng nền đường đảm bảo xe tải lưu thông hai chiều thuận lợi. Tổng mức đầu tư hơn 257 tỷ đồng; trong đó giải phóng mặt bằng hơn 149 tỷ đồng. Sau thời gian khẩn trương thi công, tuyến đường đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Đây là con đường quan trọng mở thêm cửa ngõ kết nối với tỉnh Long An để phát triển vùng đất còn nhiều khó khăn.
Giao thông mở mang kết nối liên vùng thúc đẩy nông thôn đổi mới |
Các đường tỉnh 869, 861, 863 kết nối vùng phía tây của tỉnh Tiền Giang với tỉnh Đồng Tháp cũng được nâng cấp, mở rộng để phát triển vùng đất trước đây xa xôi, hẻo lánh. Hiện nay, việc nâng cấp, mở rộng mặt đường, hệ thống thoát nước, chiếu sáng và xây dựng 4 cầu trên đường 869 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Giữa tháng 8/2024, các cầu Kinh Kho, Tám Thước, Đất Sét và cống Hai Thỏ trên địa bàn huyện Cái Bè cũng được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2025. Cụ thể, trên đường 861 có cầu Kinh Kho dài 39,4m với đường vào cầu dài 161,4m; cầu Tám Thước dài 39,4m với đường vào cầu dài 205m. Trên đường 863 có cầu Đất Sét dài 56,6m với đường vào cầu dài 244m; cống hộp Hai Thỏ dài hơn 21m với đường trên cống 208m. Kế hoạch trước Tết 2025, cầu Kinh Kho và Tám Thước sẽ hoàn thành.
Việc nâng cấp, mở rộng các đường tỉnh 869, 861, 863 nối sang tỉnh Đồng Tháp đáp ứng mong đợi của chính quyền và người dân địa phương. Cả vùng vốn hẻo lánh này đang rất phấn khởi, bước đầu đã có nhiều khởi sắc.
Tỉnh Tiền Giang cũng đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường là đầu mối kết nối với những con đường thông thương liên vùng. Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định, tổng mức đầu tư 1.999,9 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2024 sẽ thúc đây phát triển kinh tế cả đường bộ và đường thủy. Đường tỉnh 879C ở huyện Chợ Gạo, nối Quốc lộ 50 đến cầu Thạnh Lợi được mở rộng mặt đường lên 15m.
Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%
Cơ quan thống kê của tỉnh Tiền Giang thông tin, trong 9 tháng năm 2024, vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 33.776 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 11.000 tỷ đồng, tăng 18,8%; vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước 9.639 tỷ đồng, tăng 1,8%; bên cạnh còn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 3.297 tỷ đồng.
Vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước do Tiền Giang quản lý là 3.732 tỷ đồng, gồm: ngân sách cấp tỉnh 3.141 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 445 tỷ đồng, ngân sách cấp xã 146 tỷ đồng.
Để đạt kế hoạch đầu tư phát triển, lãnh đạo tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm, HĐND đã thông qua chỉ tiêu vốn. Đây là chỉ tiêu quan trọng đòi hỏi Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực, giải pháp để tạo động lực phát triển.
Nghị quyết HĐND tỉnh bố trí vốn cho các công trình phục vụ Nông thôn mới, ứng phó biến đổi khí hậu, thanh toán khối lượng hoàn thành theo thực tế; cho phép điều chỉnh chuyển vốn từ các công trình có giá trị thực hiện và giải ngân thấp sang công trình hoàn thành hoặc có giá trị thực hiện cao trong từng nguồn vốn. Nhờ đó, tỉnh Tiền Giang đã giải ngân tốt kế hoạch đầu tư công năm 2024.