Tiên phong thay đổi nhận thức, kiến tạo thể chế trong chuyển đổi số
Người dân được trải nghiệm dịch vụ hành chính phục vụ
Những ngày dầu năm 2025, nhiều người dân thư thả có mặt tại Bưu điện Trung tâm Hoàn Kiếm, một trong 32 Đại lý dịch vụ công trực tuyến được triển khai thí điểm trong giai đoạn 1 tại Hà Nội để thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC). Tại đây, họ được nhân viên Bưu điện hỗ trợ, tư vấn cách thức, quy trình, thành phần hồ sơ cần có để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Ngoài ra, nhân viên Bưu điện cũng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân biết cách tra cứu hồ sơ, thanh toán online…
Ông Lê Văn Duy (ở phố Nguyễn Khắc Cần, Hà Nội) cho biết, là người lớn tuổi nên có hạn chế về sử dụng công nghệ nhưng các nhân viên tại đây kiên nhẫn hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể. Đặc biệt, khi có kết quả nhân viên Bưu điện sẽ chuyển phát nhanh chóng, an toàn, hồ sơ giải quyết TTHC đến địa chỉ người dân yêu cầu.
Các Đại lý dịch vụ công trực tuyến tại các bưu cục đã đưa dịch vụ công đến gần hơn với người dân. Thay vì phải trực tiếp đến cơ quan hành chính, giờ đây người dân có thể đến các bưu cục gần nhất để được hỗ trợ thực hiện dịch vụ công một cách thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả.
![]() |
Người dân được hướng dẫn làm TTHC tại Bưu điện Trung tâm Hoàn Kiếm |
Ngoài Bưu điện Trung tâm TP, người dân Thủ đô còn có thể tới 9 đại lý Dịch vụ công của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tại các Bưu cục trung tâm quận Tây Hồ, quận Nam Từ Liêm, quận Đống Đa, quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy, quận Hoàng Mai, quận Hà Đông; 12 bưu cục của Tổng Công ty Bưu chính Viettel và 10 cửa hàng FPT Shop của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT để thực hiện các dịch vụ hành chính công.
Theo ông Cù Ngọc Trang, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội: Mô hình thí điểm Đại lý Dịch vụ công trực tuyến là một bước tiến quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, định hướng phát triển chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính công.
Sự ra đời của mô hình này sẽ giúp Hà Nội đạt được các mục tiêu "3 phi" là: Phi địa giới - Phi trung gian - Phi vật chất và "2 không" là: Không cửa hành chính - Không khóa thủ tục.
Theo kế hoạch, giai đoạn đầu, mô hình được triển khai tại 11 quận, huyện của Hà Nội, trong đó có các khu vực trung tâm và các địa bàn có nhu cầu cao nhưng còn hạn chế trong tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Dự kiến từ tháng 3/2025, mô hình đại lý dịch vụ công sẽ được nhân rộng trên toàn TP, góp phần giảm tải cho các cơ quan hành chính Nhà nước, tiết kiệm nguồn lực xã hội thông qua việc chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công cho doanh nghiệp đảm nhiệm.
Với việc triển khai thí điểm các Đại lý dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội sẽ là điểm nhấn ban đầu trong quá trình trải nghiệm, cung cấp dịch vụ công thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp theo hướng hành chính phục vụ.
![]() |
Người dân được hướng dẫn làm TTHC tại bưu cục của Tổng Công ty Bưu chính Viettel |
Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế
Những năm qua, nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, với sự đồng thuận, thông suốt tư tưởng, thống nhất trong hành động, tạo khí thế, phong trào thi đua trên toàn địa bàn TP.
Hà Nội đã tiên phong trong việc hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo (Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06) thành một Ban chỉ đạo duy nhất và triển khai mô hình này ở tất cả các cấp, đồng thời tổ chức, triển khai hoạt động của 5.034 tổ chuyển đổi số cộng đồng (với hơn 30.000 thành viên tại cơ sở).
Cùng với đó, TP đẩy mạnh phát triển các hệ thống nền tảng quan trọng trong công tác quản lý như xây dựng hệ thống thông tin báo cáo số, ký số toàn hệ thống 3 cấp, triển khai phòng họp thông minh không giấy tờ (iCabinet)…
TP cũng tiếp tục triển khai Đề án phân cấp, ủy quyền gắn với tái cấu trúc các TTHC trên địa bàn, trong đó đã: Thực hiện phân cấp, ủy quyền gần 600 TTHC; tập trung tái cấu trúc 150 TTHC thiết yếu, phát sinh nhiều hồ sơ, nhằm đơn giản hóa quy trình, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.
Đáng chú ý, TP Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, ứng dụng số để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp như việc khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Dữ liệu chính TP trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây hiện đại với hơn 300 hệ thống ứng dụng của TP được di trú và bảo đảm an toàn thông tin, kết nối với 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, TP đã chủ động đăng ký với Trung ương và tiên phong thí điểm thành công nhiều tiện ích số phục vụ người dân, doanh nghiệp như triển khai thành công mô hình Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID; phát triển ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi), nơi người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập và tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền TP trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực...
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây về chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2023, Hà Nội lọt vào tốp 10, tăng 18 bậc, vươn lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, TP. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nhận thức số và thể chế số là những chỉ số có giá trị lần lượt cao nhất, thể hiện các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế để làm tiền đề quan trọng cho quá trình chuyển đổi số.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hàng loạt sân bay sẽ triển khai làm thủ tục bay bằng sinh trắc học, VNeID

Thành lập BCĐ Chuyển đổi số các cơ quan Đảng, đoàn thể thành phố

Quảng Nam gắn biển công trình Trung tâm Tích hợp Dữ liệu

Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng

Mỗi cán bộ Mặt trận phải là người tiên phong trong chuyển đổi số

Phát động phong trào thi đua “Công dân số cùng Thủ đô vươn mình”

Quảng Nam triển lãm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Lắp đặt camera tích hợp AI xử lý vi phạm môi trường

TP Hồ Chí Minh: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
