Tiết kiệm nước sạch - hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Những chính sách, hành động thiết thực
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, lượng nước thải sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi xả ra môi trường ngày càng nhiều. Điều này không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mặt mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng nước ngầm tại nhiều khu vực từ thành thị đến nông thôn.
Để đạt được các mục tiêu về chính sách tiệt kiệm và bảo vệ nguồn nước sạch, nhiều địa phương đã lên kế hoạch cũng như hành động nhằm xóa bỏ thói quen xả thải bừa bãi; Hỗ trợ các mục tiêu vệ sinh trong việc giữ nguồn nước sạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Trong dự thảo quyết định của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố, giá nước được tăng theo lộ trình trong năm 2023 và 2024. Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giá nước sạch tại thời điểm này là cần thiết bởi giá thành hiện nay không bù đắp được chi phí sản xuất; Đồng thời, không khuyến khích các nhà đầu tư nước sạch vào những khu dân cư xa trung tâm, không khuyến khích được người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…
Hãy sử dụng nước hợp lý vì bản thân và cộng đồng |
Mặc dù có sự điều chỉnh về giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố song Hà Nội vẫn giữ nguyên mức giá đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo với 5.973 đồng/m3 cho 10m3 đầu tiên. Điều này thể hiện tính nhân văn, khoa học, dân chủ của Hà Nội, đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Đối với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường xung quanh khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, phố Hà Nội đều có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Từ đó, mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sẽ thấp hơn rất nhiều so với những lợi ích của việc điều chỉnh, đó là nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Có thể thấy rằng, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước, tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.
Nâng cao ý thức toàn diện
Thành phố và các cơ quan chức năng đã nỗ lực vì mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường nguồn nước sạch đến được với người dân. Vì thế, mỗi công dân càng phải nâng cao ý thức toàn diện.
Người sử dụng không nên cho rằng, giá nước tăng không nhiều, không ảnh hưởng đáng kể đến ví tiền nhà mình nên cứ dùng thoải mái. Nếu mỗi cá nhân, gia đình có suy nghĩ như vậy thì áp lực về sản xuất nước sạch, bảo trì, bảo dưỡng đường ống là rất lớn.
Nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận, nếu người này, nơi này dùng phung phí thì người khác, nơi khác chắc chắn sẽ phải chịu thiếu thốn. Ai cũng biết nước sạch vô cùng cần thiết với đời sống của con người, vì thế, chúng ta sử dụng nước hợp lý không phải chỉ vì bản thân mình mà còn vì xã hội, cộng đồng.
Giải pháp bảo vệ nguồn nước đầu tiên là cần nâng cao ý thức của mỗi cá nhân. Mỗi người đều phải nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch. Một người bảo vệ nguồn nước thì không có khác biệt, tuy nhiên nếu cả cộng đồng đều ý thức được thì sẽ mang lại kết quả tốt.
Đừng vì sự phung phí của mình mà người khác phải thiếu nước sử dụng (Ảnh minh họa) |
Vậy nên, giải pháp bảo vệ nguồn nước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là người dân cần nhận thức được vai trò, vị trí của mình trong việc bảo vệ nguồn nước và nâng cao ý thức, cùng hành động; Không cần phải phát minh ra gì đó vượt trội, chỉ cần hành động tiết kiệm nước sạch cũng là bảo vệ nguồn nước.
Giải pháp bảo vệ nguồn nước đơn giản chính là hành động tiết kiệm, không lãng phí nước trong khi sinh hoạt hàng ngày. Tắt vòi nước sau khi rửa mặt, đánh răng, rửa tay… hay khi không sử dụng góp phần rất lớn vào việc tránh lãng phí nước. Thường xuyên kiểm tra xem đường ống dẫn nước có bị rò rỉ không và khắc phục ngay cũng là cách để chúng ta giúp nước sạch không bị lãng phí ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng rất cần thiết. Bản thân mỗi người, ngoài việc nhận thức và hành động thường xuyên, liên tục thì cần phải tuyên truyền, đôn đốc, giám sát việc sử dụng nước hợp lý trong cộng đồng, gia đình và ở cơ quan, công sở. Có như thế, hoạt động này mới có hiệu quả thực sự và đem lại giá trị thiết thực trong việc toàn dân chung tay cùng chính quyền nâng cao chất lượng sống, nâng cao sức khỏe cho tất cả mọi người.
Có đến hơn 1 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Con số này đang có xu hướng gia tăng rất nhanh. Nếu chúng ta không tìm ra giải pháp bảo vệ nguồn nước thì cuộc sống của con người sẽ bị đe dọa.
Nước sạch là nguồn tài nguyên quan trọng và cần được quan tâm bảo vệ. Bên cạnh những giải pháp trong chính sách của Nhà nước, khu vực, quan trọng hơn hết vẫn là ý thức của chính chúng ta để giúp nguồn nước sạch ngày càng được bảo vệ và đến với nhiều người hơn.