Tìm giải pháp bền vững quản lý vỉa hè, chợ, công viên
Sáng 31/3, tại hội nghị giao ban quý I/2023 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung quan trọng liên quan kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.
Quang cảnh hội nghị |
Tăng cường xử phạt bằng hình ảnh
Theo đó, về giải pháp quản lý, sử dụng lòng, hè đường trên địa bàn TP, các đại biểu cho rằng, việc ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị là cần thiết, có tác dụng. Song, vấn đề khó khăn nhất là duy trì bền vững trật tự lòng đường, vỉa hè. Vì thực tế còn nhiều bất cấp, nhất là giữa nhu cầu đời sống và khó khăn về hạ tầng, năng lực, công cụ, chế tài quản lý...
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, năm 2022, số lượng xe đăng ký mới tăng đột biến 5% với khoảng 350.000 xe, trong đó có khoảng 100.000 xe ô tô, trong khi đất giao thông chỉ tăng 0,8%. Toàn TP đã có 7,8 triệu phương tiện nhưng đến nay, tỷ lệ đất giao thông toàn mới đạt 10,35%, cách rất xa so với mục tiêu là 20%. Đất dành cho giao thông tĩnh cũng chưa đạt 1%, hiện nay mới đáp ứng chưa tới 25% nhu cầu thực tế.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đề nghị TP tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tĩnh, trong đó phải có các giải pháp xử lý các bãi trông giữ xe tự phát, có như thế các nhà đầu tư mới không lo bị cạnh tranh thiếu lành mạnh, yên tâm đầu tư. Bên cạnh đó, việc tổ chức sắp xếp trông giữ xe trên vỉa hè và lòng đường một cách phù hợp là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu bởi quy định cũ chỉ cho đỗ xe trên 56 tuyến phố đến nay đã lạc hậu.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường phát biểu tại hội nghị |
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong thông tin, thời gian qua, một số quận, huyện, thị xã thực hiện cải tạo, chỉnh trang vỉa hè chưa đúng quy định, hướng dẫn; Chưa bố trí lối đi cho người khiếm thị; Lựa chọn gạch lát chưa phù hợp; Chưa quan tâm hướng dẫn người dân về biển quảng cáo, mái che, mái vẩy. Giám đốc Sở Xây dựng cũng đề xuất TP và các địa phương cần tăng cường quản lý, xử lý vi phạm lòng đường, hè phố bằng hình ảnh.
Trưởng ban Đô thị - HĐND TP Đàm Văn Huân đề nghị TP tiếp tục thực hiện theo lộ trình để hạn chế phương tiện vào khu vực nội đô theo Nghị quyết HĐND TP đã thông qua; Đồng thời nghiên cứu đưa các giải pháp về vấn đề này vào Luật Thủ đô sửa đổi. Đặc biệt thực hiện nguyên tắc thị trường để phát triển giao thông tĩnh vì đơn giá hiện nay không khuyến khích được đầu tư.
Trưởng ban Đô thị - HĐND TP Đàm Văn Huân phát biểu tại hội nghị |
Cải tạo, nâng cấp 4 công viên và đầu tư thêm 6 công viên
Về quản lý, khai thác, sử dụng và đầu tư công viên, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc thành phố tập trung nguồn lực khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên theo kế hoạch để phục vụ Nhân dân, nhất là tạo các công viên mở.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, TP sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp 4 công viên hiện có và đầu tư thêm 6 công viên. Trong quá trình thực hiện, Sở đã tham mưu TP đẩy mạnh phân cấp cho các quận, huyện, thị xã để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án này.
Thông tin tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận đã cải tạo, nâng cấp được 8 vườn hoa và đang tiếp tục công việc này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, quận gặp nhiều khó khăn do các vườn hoa này nằm trong các khu tập thể cũ, phải chờ quy hoạch chi tiết. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng vì các hộ dân lấn chiếm nhiều năm qua. Đối với các công viên, vườn hoa xây mới, quận có kế hoạch đầu tư 22 công viên, vườn hoa và đến nay đã hoàn thành 5 điểm, chủ yếu là nhỏ lẻ vì trên địa bàn không có các khu đất rộng.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong phát biểu tại hội nghị |
Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, TP chỉ quản lý 5 công viên, còn lại phân cấp cho các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư. Thời gian qua, việc xây dựng các vườn hoa mini tại các địa phương được triển khai tốt. Để thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng các công viên chuyên đề, đồng chí Lê Anh Quân cho rằng cần công khai các quy hoạch; Đồng thời, thống kê phạm vi rộng hơn trên toàn TP để có bức tranh tổng thể về các công viên, vườn hoa cần đầu tư xây dựng, bởi đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao.
Kiến nghị sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng chợ dân sinh
Về công tác quản lý chợ thời gian qua, Chủ tịch UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên) Đặng Thúy Vân cho biết, trên địa bàn có 2 chợ dân sinh hoạt động với khoảng 300 hộ kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng... Để hướng đến mục tiêu xây dựng chợ văn minh thương mại - an toàn thực phẩm, bà Đặng Thúy Vân cho rằng cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, phường tăng cường phối hợp liên ngành kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm; Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, chú trọng xây dựng phương án “4 tại chỗ” để bảo đảm an toàn cho các hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân phát biểu tại hội nghị |
Về nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho rằng, theo quy định thì thành phố chỉ đầu tư chợ đầu mối, còn lại phân cấp cho địa phương. Tiến độ xây dựng chợ theo quy hoạch còn chậm và hình thức đầu tư chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước. Trong đó, các chợ dân sinh tại các quận, huyện, thị xã có quy mô nhỏ nên rất khó khăn trong việc xã hội hóa vì thu không đủ chi.
“Vì thế, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng chợ dân sinh ở các địa phương. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng Nông thôn mới. Những địa phương nào gặp khó khăn về ngân sách đầu tư thì cần sớm báo cáo TP để có phương án tháo gỡ. Đối với các chợ loại 1, TP cần phải quy hoạch để các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng” - ông Lê Anh Quân nêu quan điểm.