Tìm giải pháp cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm
Báo cáo hiện trạng môi trường hồ Hoàn Kiếm của Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, Hồ Gươm dù đã tách biệt hoàn toàn nước thải, được kè bê tông và đá song một số nơi đã xuống cấp. Lớp đất sét, lớp bùn lắng dưới đáy hồ ngày càng dày, có nơi lên đến hơn 1m, dẫn đến mực nước thấp chỉ còn 0,7-08m. Với phạm vi 7m từ chân kè ra là 5m đất nền cứng với nhiều gạch đá gây ảnh hưởng tới môi trường sống của những sinh vật dưới hồ. Chất lượng nước hồ ngày càng một suy giảm, độ pH luôn ở mức cao, từ 9,05 đến 9,46. Cặn lơ lửng trong hồ cao hơn tiêu chuẩn cho phép ở cả 5 vị trí quan trắc. Ngoài ra, hồ đang trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ với BOD, COD gấp gần 2 lần so với quy chuẩn cho phép.
Ngoài ra, mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần, kéo theo hàm lượng ô xy hoà tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau, ảnh hưởng tới sự tồn tại của nhiều động thực vật trong hồ. Nếu không tiến hành nạo vét, nguy cơ hồ Gươm trở thành một bãi lầy sẽ xảy ra.
“Hồ đã mất khả năng tự làm sạch, nếu không nhanh chóng có các biện pháp cải tạo, hệ thủy sinh và cả màu xanh đặc trưng của nước hồ sẽ dần mất đi vĩnh viễn”- ông Vũ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nhận định.
Theo đề xuất của Công ty Thoát nước Hà Nội, đơn vị sẽ nạo vét tổng thể, thanh thải bùn, phế thải tồn đọng dưới đáy hồ, xử lý duy trì chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm bằng chế phẩm Redocy-3C, chế phẩm đặc biệt xử lý hồ của CHLB Đức sản xuất theo đơn đặt hàng độc quyền của TP Hà Nội.
Cụ thể, tổng khối lượng nạo vét là 57.400 m3, diện tích khu vực nạo vét bùn hơn 97.455 m2. Phạm vi nạo vét phải đảm bảo cách mép chân kè các công trình trên là 7m. Công ty Thoát nước cũng đề xuất phương án duy trì mực nước thường xuyên khoảng 2m, nhằm bảo đảm độ lắng đọng nước. Việc thi công nạo vét sẽ được thực hiện 8 giờ/ngày, bắt đầu từ 21h30 và kết thúc 5h30 sáng. Trong quá trình thi công bảo đảm an toàn lao động, hạn chế tiếng ồn, dọn dẹp vệ sinh trước khi kết thúc ngày làm việc. Khu vực đổ vật liệu nạo vét và phế thải là bãi C – Yên Sở, xã Yên Mỹ huyện Thanh Trì, diện tích bãi thải 14,1ha. Bãi đổ thải cách hồ Hoàn Kiếm 13km.
Tổng thời gian thi công nạo vét và vận chuyển là 69 ngày (kể từ ngày bàn giao mặt bằng, giấy phép xây dựng) chưa bao gồm thời gian chuẩn bị máy móc và thời gian kiểm tra nghiệm thu.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hồ Hoàn Kiếm là một địa chỉ văn hoá, tâm linh đặc biệt quan trọng với người dân Thủ đô Hà Nội và cả nước. Hồ cũng gắn liền với lịch sử văn hoá Thăng Long-Hà Nội, là khu tham quan du lịch của TP Hà Nội. Khi thực hiện phương án xử lý, cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm, cần thực hiện thận trọng, tính toán đầy đủ các yếu tố tác động, đặc biệt là việc bảo vệ hệ sinh thái đang sinh sống trong lòng hồ.
Theo PGS. TS Hà Đình Đức: “Trước đây chúng ta từng cải tạo hồ Thiền Quang, nạo vét bùn rồi đổ bê tông bề mặt đáy dẫn đến thay đổi hẳn hệ sinh thái của hồ. Nếu cũng áp dụng biện pháp này cho hồ Hoàn Kiếm thì chúng ta sẽ mãi mãi mất đi màu xanh vô cùng đặc trưng của hồ”.
Những ý kiến của các nhà khoa học sẽ được Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiếp thu nhằm hoàn thiện phương án cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm, trình UBND TP. Hà Nội trong thời gian sớm nhất.