Tìm giải pháp hiệu quả trong việc quản lý lòng đường, hè phố
Nhiều chuyển biến tích cực
Nhằm bảo đảm trật tự, văn minh đô thị, ngay từ đầu năm 2023, Công an thành phố Hà Nội đã tham mưu Ban Chỉ đạo 197 thành phố ban hành Kế hoạch số 01 ngày 15/2/2023 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn.
Kế hoạch được triển khai nhằm đảm bảo trật tự văn minh, đô thị, trật tự an toàn giao thông, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến với các biện pháp, giải pháp theo lộ trình cụ thể, rõ ràng, đồng thời, tổ chức lễ ra quân triển khai kế hoạch của thành phố. Các quận, huyện, thị xã cũng hưởng ứng và tổ chức Lễ ra quân trên địa bàn với quyết tâm cao nhất, "làm đến đâu dứt điểm đến đó", tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi".
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND, cử tri tại các quận, huyện của Hà Nội đều bày tỏ ủng hộ kế hoạch tổng kiểm tra xử lý giải quyết vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông của Ban chỉ đạo 197 (Ban chỉ đạo liên ngành do Công an làm Thường trực).
Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị |
Qua 10 tháng triển khai kế hoạch, đánh giá tình trạng lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, trông giữ xe trái phép, thu phí xe vượt quá quy định của thành phố đã giảm nhưng chưa giảm nhiều.
Vì vậy, thành phố sẽ tiếp tục giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Đồng thời, TP nghiên cứu có giải pháp hợp lý, hài hòa lợi ích của cộng đồng dân cư, đảm bảo nguồn sinh kế của nhiều người dân gắn với vỉa hè.
Tại quận Hoàn Kiếm, từ năm 2020, theo phân cấp, quận đã triển khai 4 dự án đầu tư và quản lý giao thông đô thị. Trong đó, đã hoàn thành 2 dự án, 2 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Về việc bố trí sắp xếp các điểm giao thông tĩnh, trên địa bàn quận có 64 phố có mặt cắt hè đủ điều kiện cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để xe đạp, xe máy theo đúng thẩm quyền, đúng quy định.
Hiện nay, phòng quản lý đô thị đã tham mưu UBND quận cấp phép tạm thời sử dụng hè phố để trông giữ phương tiện cho 48 tổ chức, cá nhân, với tổng số diện tích trên 12.000m2 gồm 176 điểm.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải thành phố đã cấp phép tạm thời sử dụng lòng đường để trông giữ phương tiện cho 7 đơn vị, tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích là 8.658m2 tại 69 điểm. Đến nay, cơ bản các đơn vị và các tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để trông giữ phương tiện thực hiện tốt các quy định trong việc tổ chức trông giữ phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và nơi gửi phương tiện của người dân…
Đảm đời sống Nhân dân, giữ gìn văn minh đô thị
Theo UBND thành phố Hà Nội, việc triển khai Kế hoạch số 01 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố chỉ là giải pháp nhằm duy trì tạm thời trật tự, văn minh đô thị của Thủ đô, chưa phải giải pháp mang tính chất căn cơ, lâu dài.
Thời gian tới, để đảm bảo đạt được mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến thì cần đạt được sự đồng thuận của người dân và giải pháp "gốc rễ", căn cơ nhất là phải đảm bảo được an sinh xã hội, bảo đảm đời sống của người dân, nhất là đối với nhóm người sinh kế gắn với vỉa hè, vì vậy, cần thiết phải triển khai một số giải pháp tiếp theo.
Đó là, cần có sự vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của người dân; cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phải phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 197 các cấp, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, vai trò giám sát của cộng đồng.
Bên cạnh đó, phải thay đổi cách tiếp cận về tuyên truyền, phổ biến giáo dục ý thức cho cán bộ, công chức và Nhân dân chấp hành quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, và quan trọng nhất là nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn thể Nhân dân về xây dựng chung một Thủ đô xanh, sạch, đẹp, gọn gàng, quy củ, có trật tự...
Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu bố trí, sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố và các chợ cóc, chợ tạm (sau khi giải tỏa) để đảm bảo trật tự, văn minh đô thị, vừa đảm bảo cho cuộc sống của người dân |
Các đơn vị chức năng cần tập trung rà soát, nghiên cứu các văn bản quy định về công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố của Trung ương và thành phố, đối chiếu với điều kiện thực tế của Thủ đô để tham mưu, đề xuất Hà Nội sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy định của TP, đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng Trung ương sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn cụ thể các văn bản quy định về quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố do cơ quan đó ban hành.
UBND thành phố đã yêu cầu các Sở, ngành, các địa phương cần rà soát, tập trung triển khai các biện pháp giải quyết nhu cầu đỗ, để phương tiện của người dân để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị; nghiên cứu, rà soát, tham mưu thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án bến, bãi đỗ xe, các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn; nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút đầu tư mạnh vào lĩnh vực giao thông tĩnh, tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Việc bố trí, sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố và sắp xếp các chợ cóc, chợ tạm (sau khi giải tỏa) để đảm bảo trật tự, văn minh đô thị, vừa đảm bảo cho cuộc sống của người dân, cần nghiên cứu, xây dựng, triển khai phương án bố trí, sắp xếp một cách phù hợp theo tình hình thực tế địa bàn.
Ngoài ra, các đơn vị tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng, triển khai Đề án quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Thành ủy nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng vào cuộc.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố coi đây là công tác trọng tâm, thường xuyên, lâu dài trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương... Quá trình triển khai nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển, tạo điều kiện cho dân sinh, phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế đô thị, kinh tế ban đêm.