Tin giả nguy hiểm không kém đại dịch Covid-19
Ảnh minh họa
Bài liên quan
Anh kêu gọi Facebook, YouTube chống lại tin đồn mạng 5G có “gieo rắc” virus Corona
“Dịch tin giả” trục lợi, lan truyền nhanh hơn dịch Covid-19?!
Chặn đà lây lan nguy hiểm của vi rút tin giả
Cuộc chiến gian nan chống tin giả
Fake news lan tràn
Thông tin sai sự thật xung quanh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu ngay từ lúc các nhà khoa học còn chưa đặt tên cho nó. Khi mới xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), những thông tin như virus “được chế tạo tại phòng thí nghiệm bí mật ở Vũ Hán”, “lây nhiễm qua đồ ăn Trung Quốc” hay “Covid-19 phát tán qua mạng 5G”… đã xuất hiện khắp nơi, phần nào dẫn đến làn sóng kỳ thị người Châu Á ở một số nước phương Tây.
Tiếp đó là những thông tin đồn thổi về số ca nhiễm và tử vong, kèm theo hình ảnh xác người nằm la liệt trên phố, rồi nơi này nơi kia đã có ca dương tính hay người thiệt mạng khi mà dịch bệnh mới chỉ xuất hiện tại vài quốc gia khiến công chúng hoang mang lo sợ.
Kéo theo sau đó là một loạt các tin giả về các biện pháp chữa trị hay phòng ngừa Covid-19. Hậu quả của những loại tin giả kiểu này đã cướp đi tính mạng của nhiều người chỉ trong chớp mắt.
Lợi dụng tình hình của dịch bệnh Covid-19, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật (Ảnh: AFP) |
Tại Iran, hơn 300 người đã tử vong, 1.000 người phải nhập viện do uống methanol sau khi đọc những thông tin thất thiệt cho rằng, rượu có thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2.
Ở Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, hàng trăm bài thuốc dân gian truyền miệng thiếu cơ sở khoa học, có hại cho sức khỏe cũng đã được đưa lên mạng như việc dùng cây đinh hương tới uống nước tiểu và phân bò.
Tại Châu Âu, Bộ Y tế Pháp phải đăng tuyên bố bác bỏ thông tin “cocaine có thể chữa Covid-19”.
Thậm chí, các nhà nghiên cứu bảo mật còn phát hiện ra, tin tặc còn lập ra những trang web tuyên bố có những thông tin tuyệt mật về virus SARS-CoV-2. Chúng lợi dụng sự cả tin của người dùng, nhằm đánh cắp các dữ liệu cá nhân hoặc xâm nhập thiết bị khi họ truy cập những trang web độc nói trên.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chính những loại tin giả như vậy sẽ làm dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn bởi những lời khuyên xấu có thể thay đổi cách ứng xử của mọi người, khiến họ đối mặt với nhiều nguy cơ lớn hơn. Nếu giảm 10% số lời khuyên có hại được lan truyền sẽ giúp giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Vai trò của mạng xã hội
Theo nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters dựa trên 225 thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19, có đến 88% lượng thông tin xuất hiện ở các nền tảng mạng xã hội, trong khi con số này chỉ là 9% đối với truyền hình và 8% trên báo chí.
Với khoảng 3 tỷ người dùng trên khắp thế giới, các trang mạng xã hội đã và đang dễ dàng trở thành nơi chia sẻ và lan truyền những tin tức này với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền tảng nào khác, bất chấp nỗ lực kiểm soát từ các hãng công nghệ.
Bên cạnh đó là tâm lý câu like của những người dùng mạng xã hội. Theo giáo sư David Rand, chuyên nghiên cứu về não và nhận thức con người thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) con người thường có xu hướng nghĩ liệu bài viết này có được nhiều like không nếu chia sẻ bài viết này trước khi kiểm chứng độ tin cậy của thông tin.
Tin giả lan truyền nhanh hơn cả virus SARS-CoV-2 (Ảnh: AA) |
Những thông tin giả về Covid-19 đang tràn ngập trên mọi nền tảng xã hội phổ biến nhất hiện nay như Twitter, Facebook, YouTube… Theo kết quả điều tra do Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành cho thấy chỉ trong 3 tuần, từ ngày 20/1 đến 10/2, đã có khoảng 2 triệu mẩu tweet đăng trên Twitter tung tin thất thiệt, lan truyền các thuyết âm mưu, sai lệch về dịch bệnh Covid-19.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã từng lên tiếng cảnh báo: “Tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả virus nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém”.
Các gã khổng lồ công nghệ đã có những động thái bằng việc đưa ra thông báo chung, cam kết chống thông tin giả mạo cũng như phối hợp chặt chẽ với WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) để truy cứu nguồn gốc, kiểm chứng và loại bỏ thông tin giả mạo ngay khi phát hiện. Tuy nhiên, các lỗ hổng cho tin giả vẫn còn tồn tại. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, chênh lệch trong hiệu quả kiểm soát của các mạng xã hội khác nhau vẫn còn khá lớn: Trong khi 59% thông tin thiếu xác thực vẫn tồn tại trên Twitter mà không hề có cảnh báo kèm theo, thì con số này đối với YouTube và Facebook là 27% và 29%.
Không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội trong thời đại công nghệ số giúp thông tin được chia sẻ, lan truyền nhanh và rộng rãi. Tuy nhiên, trước khi tin giả (về bản chất vẫn chỉ là tin đồn) được Chính phủ các nước phối hợp với các trang mạng xã hội kiểm soát, những người dùng mạng xã hội nên trở thành những người dùng thông minh bằng cách luôn cập nhật các nguồn tin chính thống cũng như phát triển kỹ năng cần thiết để kiểm chứng, đối chiếu thông tin khi hàng ngày đối mặt với biết bao tin giả tràn lan trên không gian mạng hiện nay…
Vai trò của báo chí
Báo chí là chủ thể phản ánh đời sống xã hội, khơi nguồn, tạo ra dư luận xã hội và do đó, có vai trò không thể thay thế trong định hướng dư luận xã hội. Trong thời đại nhiều cơn bão tin giả xuất hiện như hiện nay thì báo chí chính thống càng có vai trò quan trọng trong việc định hướng thông tin kịp thời, chính xác và đa chiều.
Kể từ khi mạng xã hội ra đời và phát triển mạnh mẽ, báo chí đã bị mạng xã hội cạnh tranh gay gắt, ngay cả báo mạng điện tử hoạt động trên cùng môi trường, nền tảng Internet.
Tuy nhiên, báo chí và mạng xã hội thực chất có mối quan hệ mật thiết. Theo đó các nhà báo tận dụng mạng xã hội để thu thập, thẩm định thông tin và từ đó phát hành thông tin. Trong một bài viết được đăng tải trên tờ The Guardian của Anh, tác giả Margaret Simons nhận định ngày nay các nhà báo đã trở thành những người tiếp nhận thông tin chứ không phải những người tạo ra thông tin.
Truyền thông xã hội cũng tạo ra góc nhìn mới, quan điểm trao đổi giữa tòa soạn, các tác giả và độc giả. Nhiều bình luận của người dùng đã giúp phóng viên tìm ra những góc cạnh mới cho bài viết của mình.
Bên cạnh đó, nhiều tờ báo cũng đã bắt kịp được sở thích và yêu cầu độc giả hiện nay bằng cách phát triển mô hình báo chí đa nền tảng và chiến lược số hoá thông minh.
Đơn cử như tờ báo lâu đời của Mỹ là New York Times. The New York Times đã đạt được hơn 709 triệu USD doanh thu trên nền tảng số trong năm 2018, dự kiến với tốc độ tăng trưởng này, họ sẽ đạt được mục tiêu 800 triệu USD vào cuối năm 2020. Mặc dù quảng cáo in ấn trên The New York Times trung bình giảm khoảng 18% mỗi năm nhưng nó lại được bù đắp bởi sự tăng lên của các thuê bao theo dõi và các mẫu quảng cáo điện tử, thứ giúp tăng doanh thu và lợi nhuận cho họ qua từng năm.