Tin lời “đại diện cơ quan chức năng”, nhiều nạn nhân bị lừa hàng tỷ đồng
Nhiều nạn nhân "sập bẫy", mất hàng tỷ đồng
Theo Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, tính từ tháng 6/2021 đến nay, Công an phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm đã tiếp nhận 3 vụ việc liên quan đến thủ đoạn giả danh người của cơ quan chức năng gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; Có vụ nạn nhân bị “sập bẫy” mất gần chục tỷ đồng.
Cơ quan công an cảnh báo thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo diễn ra ngày càng tinh vi |
Gần đây nhất là ngày 15/9/2021, anh N.V.T trú tại phường Xuân Tảo trình báo, anh nhận một cuộc gọi và được thông báo vi phạm giao thông tại Đà Nẵng. Khi trả lời bản thân không đến Đà Nẵng, anh T được nối máy với một người tự xưng ở Công an TP Đà Nẵng. Người này cho biết anh T đang đứng tên thuê một ô tô gây tai nạn chết người, đồng thời liên quan đến một đường dây mua bán ma túy. Sau đó, anh T bị yêu cầu kê khai tài sản, cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Ngay sau khi cung cấp những thông tin theo yêu cầu, anh T phát hiện bị mất 290 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Nạn nhân nhận ra mình bị lừa và đến Công an phường Xuân Tảo trình báo vụ việc.
Trước đó, vào khoảng giữa tháng 6/2021, Công an phường cũng đã tiếp nhận trình báo của ông M.M.L bị mất số tiền gần 8 tỷ đồng. Theo trình báo của ông L tại Công an phường Xuân Tảo, trưa 15/6, ông nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +882438255xxx tự xưng là cơ quan công an, thông báo ông có liên quan đến việc vi phạm pháp luật; Đồng thời yêu cầu ông kê khai tài sản, sổ tiết kiệm để xác minh.
Sau đó, người này sử dụng tài khoản Zalo có tên “Bùi Công Vinh” kết bạn với ông L để tiếp tục nói chuyện, nhắn tin. Người này yêu cầu ông L ra ngân hàng rút hết số tiền trong số tiết kiệm chuyển vào 2 số tài khoản mang tên Do Tran Tuan Linh và Le Van Nham đều của ngân hàng P chi nhánh Hà Nội.
Do bị đối tượng dọa không được tiết lộ vụ án với ai, nếu tiết lộ cơ quan chức năng sẽ không bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng… nên cụ ông rất lo sợ, không dám nói với người nhà. Trong 3 ngày từ 16 đến 18/6, cụ ông ngoài 70 tuổi liên tiếp ra ngân hàng, rút hết tiền tiết kiệm chuyển vào 2 số tài khoản mà đối tượng yêu cầu với tổng số tiền là 7,815 tỷ đồng.
Đến ngày 18/6, tài khoản Zalo “Bùi Công Vinh” tiếp tục nhắn tin cho ông L yêu cầu chuyển tiếp số tiền 300 triệu đồng. Do không còn tiền nên ông L gọi điện cho bà N là em gái để hỏi vay tiền. Nghi ngờ ông L bị lừa đảo nên bà N đã nói với anh ra cơ quan công an trình báo.
Thông tin giả mạo ngân hàng nhằm lừa đảo khiến khách hàng bị rút tiền trong tài khoản |
Mới đây nhất vào ngày 18/9, Công an phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội tiếp nhận tin trình báo của ông T (SN 1958, trú tại Hoàng Mai), về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo nội dung trình báo, ông T nhận được tin nhắn của một số điện thoại lạ với nội dung: “Tài khoản của bạn sẽ bị ngừng dịch vụ vào ngày 18/9 lúc 22h00. Vui lòng vào www:mxsccb.com để kiểm tra”.
Khi ông T đăng nhập vào đường link trên điện thoại thì phát hiện tài khoản bị rút mất 399 triệu đồng. Lúc này ông T mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Cảnh giác với tin nhắn, cuộc gọi của người lạ
Thống kê của Công an TP Hà Nội cho thấy, hầu hết nạn nhân của những vụ lừa đảo bằng thủ đoạn mạo danh cơ quan tư pháp nhằm vào người già, người thiếu hiểu biết pháp luật. Người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh “mắc bẫy của đối tượng xấu”.
Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương và không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra.
Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Facebook…) và không truy cập vào đường link với nội dung giả mạo ngân hàng như trên.
Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin và phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời; Thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này.
Đối tượng sử dụng tài khoản Zalo, Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Liên quan công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cũng đã cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn chủ yếu của loại tội phạm dùng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, đặc biệt là trong quá trình sử dụng mạng xã hội. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay với cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Người dân cảnh giác trước những hành vi sau:1. Thông qua kết nối mạng Internet (VoIP), các đối tượng gọi điện đến số điện thoại cố định thông báo chủ thuê bao đang nợ tiền cước, đang bị nhà mạng khởi kiện. Sau đó, chúng nối máy với các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát để giải quyết. Các đối tượng này thông báo với người bị hại đang liên quan đến vụ án rửa tiền, mua bán ma túy xuyên quốc gia, tiền trong tài khoản của bị hại liên quan đến các vụ án này, đã có lệnh bắt giam. Để chứng minh sự trong sạch phải chuyển tiền đến tài khoản do chúng chỉ định hoặc tài khoản của bị hại nhưng lấy số điện thoại chúng cho trước để đăng ký Internetbanking. Khi người bị hại chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng nhanh chóng rút tiền hoặc chuyển sang tài khoản khác rồi chiếm đoạt. 2. Thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber để làm quen, hứa gửi hàng, tiền, đô la có giá trị lớn, yêu cầu người bị hại cung cấp địa chỉ, số điện thoại để chúng gửi. Vài ngày sau, chúng đóng vai nhân viên Bưu điện hoặc Hải quan, kiểm tra phát hiện hàng có vi phạm, nếu muốn nhận phải đóng phí, thuế, tiền phạt… yêu cầu chuyển tiền, thuế hoặc tiền phạt vào tài khoản do chúng chỉ định và bị chiếm đoạt. 3. Đối tượng gọi điện thoại cho người bị hại thông báo là người của các Công ty xổ số đang thực hiện việc triệt phá các tụ điểm ghi số lô đề trái phép, đề nghị người bị hại phối hợp. Công ty xổ số sẽ bỏ tiền, còn người bị hại chỉ đi ghi hộ và sẽ trích thưởng thỏa đáng nhưng sau đó chúng tạo cớ không đến được đề nghị người bị hại bỏ tiền ghi hộ; Nếu kết quả đúng số lô đề mà chúng cho thì sẽ đề nghị người bị hại bỏ tiền thỏa thuận và xem xét cho người bị hại ghi số tiếp tục nếu trúng thì đối tượng vẫn liên lạc, nếu không sẽ bỏ sim và chiếm đoạt số tiền người bị hại đã chuyển đến. 4. Thông qua các trang mạng xã hội đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản cá nhân của bị hại. Sau đó, sử dụng tài khoản đó để nhắn tin đề nghị người thân bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại theo hướng dẫn của chúng và bị chiếm đoạt. 5. Nhắn tin thông báo người bị hại đã trúng một giải thưởng có giá trị lớn, yêu cầu đóng góp ủng hộhquỹ người nghèo, tàn tật bằng cách chuyển tiền vào tài khoản chúng cho trước hoặc mua thẻ điện thoại chuyển thông tin cho các đối tượng, sau đó bị các đối tượng chiếm đoạt. |