Lừa đảo trực tuyến hoành hành trong mùa dịch
Người dân cần cảnh giác với các chiêu lừa mạo danh cán bộ phòng, chống dịch Microsoft chia sẻ phương thức chống các thủ thuật lừa đảo trực tuyến |
Hồi đầu năm nay khi nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 còn hạn chế, nhiều nước Châu Âu và Mỹ đã khuyến cáo người dân về những kẻ lừa đảo lấy tiền và dữ liệu cá nhân qua các vụ lừa bán vắc-xin Covid-19.
Các hình thức lừa đảo bao gồm email hứa hẹn đưa vào danh sách được cho là bí mật để được tiếp cận sớm vắc-xin; Các bảng tin trên web tối đã thêm vắc-xin Covid-19 vào một trong nhiều mặt hàng bất hợp pháp để bán.
Công ty an ninh mạng Check Point tại Tel Aviv (Israel) hồi tháng 6 đã phát hiện khoảng 1.500 trường hợp rao bán vắc-xin trên mạng, tuyên bố có đủ loại vắc-xin hiện nay trên thế giới.
Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) nhấn mạnh, không loại vắc-xin đã được phê duyệt nào có thể mua trực tuyến. Bất kỳ loại vắc xin nào quảng cáo trên các trang web mở hay kín đều trái phép, chưa qua thử nghiệm và có thể nguy hiểm cho sức khỏe.
Hộ chiếu vắc-xin hay thẻ thông hành xuất hiện nhan nhản trên các trang web đen (Ảnh: WSJ) |
Trong khi đó, các nhà sản xuất vắc-xin khẳng định, chỉ bán trực tiếp cho Chính phủ các nước, không ủy quyền cho công ty, tổ chức, cá nhân nào cung cấp vắc-xin.
Bên cạnh đó, thị trường chợ đen cung cấp thẻ giả chứng nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 đang lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Dịch vụ làm giả nhanh chóng nở rộ khi thẻ tiêm chủng Covid-19 đang trở thành giấy thống hành để đi máy bay hay tham gia các sự kiện công cộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Hồi tháng 7, cảnh sát Italy thông báo đã phá vỡ một số đường dây buôn bán trực tuyến chứng nhận kỹ thuật số giả mạo Liên minh Châu Âu về Covid-19 . Những đối tượng này đã yêu cầu thanh toán bằng tiền điện tử. Giá cả gói gồm chứng chỉ giả và một lọ vắc-xin dao động từ 110 - 130 euro (130 - 155 USD).
Cuộc điều tra cho thấy hàng nghìn người đã sẵn sàng trả tiền cho những chứng chỉ đã tiêm đủ vắc-xin ngừa Covid-19 giả như thế này.
Đến nay, khi nhiều hạn chế đi lại được dỡ bỏ, xứ sở cờ hoa đã ngay lập tức cảnh báo du khách sẽ là mục tiêu nhắm tới của những kẻ lừa đảo. Theo thống kê, người tiêu dùng tại Mỹ đã thiệt hại 73,1 triệu USD do các trò lừa đảo và gian lận trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tội phạm mạng cũng lợi dụng dịch Covid-19 để thực hiện hành vi ăn cắp thông tin |
Hai Thượng nghị sĩ tại bang Minnesota và Montana (Mỹ) nhấn mạnh: “Vắc-xin ngừa Covid-19 trở nên phổ biến hơn và các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, 67% người Mỹ có kế hoạch đi du lịch vào mùa hè này. Đồng thời, các báo cáo gần đây cho thấy sự gia tăng của những kẻ lừa đảo, giả danh đại lý du lịch để lừa đặt phòng nghỉ và tạo ra các trang web hàng không để lừa bán vé giả”.
Tinh vi hơn là trục lợi bất hợp pháp từ các chương trình hỗ trợ người dân của Cchính phủ trong thời kỳ đại dịch… Mới đây, Chính phủ Australia đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo nhắm vào những người được hưởng trợ cấp do dịch Covid-19 ở nước này.
Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia cho biết đã phối hợp với các ngân hàng lớn phát giác hàng loạt vụ lừa đảo liên quan đến các khoản tiền hỗ trợ. Theo ghi nhận, có 69 vụ lừa đảo đã được báo cáo, trong đó 4 vụ có số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 37.000 AUD (trên 26 nghìn USD).
Chương trình trợ cấp cho người lao động toàn thời gian bị nghỉ việc do dịch Covid-19 tại Australia, theo đó mỗi người nhận được khoảng 750 AUD (hơn 530 USD) mỗi tuần.
Bên cạnh đó, tội phạm mạng cũng lợi dụng dịch Covid-19 để thực hiện hành vi ăn cắp thông tin. Chúng nhắm đến những đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch như trẻ em, những người mới thất nghiệp… để gửi nhiều email có nội dung liên quan dịch Covid-19. Những email này được thiết kế nhằm đánh lừa người dùng và sau đó đánh cắp mật khẩu của họ, hoặc chứa phần mềm độc hại để có thể chiếm lấy quyền kiểm soát máy tính của các nạn nhân.
Chỉ riêng trong quý II năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã nhận được gần 589.000 đơn khiếu nại từ việc bị đánh cắp danh tính cá nhân; Trong đó có tới 73% là những vụ sử dụng danh tính ăn trộm để mua hàng nợ. Khoảng 18% còn lại là những vụ ăn trộm tiền hỗ trợ của nhà nước. Ước tính các nạn nhân đã mất tổng cộng 545,3 triệu USD.
Tại Việt Nam, bên cạnh những đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến để quảng bá sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus, vắc-xin, tuyên truyền các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng... kẻ giả mạo còn gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm hoặc các liên kết dẫn đến nội dung cập nhật tình hình lây nhiễm của dịch bệnh Covid-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị mã độc tấn công hoặc bị lộ, lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng... Cuộc chiến này không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp nhịp nhàng của cơ quan chức năng, mà còn cần sự cảnh giác, thận trọng và tỉnh táo của mỗi người khi tiếp cận các nội dung trực tuyến, để không trở thành nạn nhân của các hành vi phạm tội trong thời kỳ Covid-19. |