Tin tức thế giới 11/11: Ông Biden ưu tiên chống dịch Covid-19
Tin tức thế giới hôm nay có những tin chính sau:
Ông Biden ưu tiên chống dịch Covid-19
Ông Joe Biden đã công bố đội ngũ các chuyên gia và nhà khoa học sẽ phụ trách cố vấn cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong chính quyền do ông lãnh đạo.
Ban cố vấn sẽ do 3 người đồng chủ tịch, gồm chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm- cựu ủy viên Cơ quan Quản lý dược phẩm liên bang (FDA) David Kessler, cựu Tổng Y sĩ Vivek Murthy và giáo sư y tế cộng đồng của đại học Yale Marcella Nunez-Smith.
Hơn 10 triệu ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ (Ảnh: AFP) |
Ban cố vấn sẽ giúp định hình cách chính quyền mới tiếp cận và xử lý tình trạng gia tăng số ca mắc trên cả nước hiện nay cũng như việc đảm bảo một loại vắc xin an toàn và hiệu quả sẽ được phân bổ hợp lý.
Bên cạnh đó, đội cố vấn sẽ có 10 thành viên, từ các chuyên gia miễn dịch, dịch bệnh truyền nhiễm, phân hủy sinh học tới những quan chức y tế cộng đồng hàng đầu của cả nước.
Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 khiến 10 triệu người mắc bệnh và số ca mắc mới liên tục ở mức hơn 100.000 ca/ngày.
Brazil ngưng thử nghiệm vắc-xin Coronavac của Trung Quốc
Thông tin từ Bộ Y tế Brazil ngày 10/11, giới chức nước này đã quyết định ngừng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với vắc-xin ngừa Covid-19 có tên Coronavac do tập đoàn Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển, sau “biến cố nghiêm trọng” xảy ra hôm 29/10.
Trước đó, Trung Quốc đã cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp đối với một số mẫu vắc-xin, trong đó có Coronavac. Hàng chục nghìn người tại Trung Quốc cũng đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong các thử nghiệm giai đoạn cuối nhưng không có báo cáo nào về các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Trong khi đó hiện vắc-xin ngừa Covid-19 do liên danh hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) công bố có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa nhiễm virus SARS-CoV-2 khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên những tình nguyện viên.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế Nga cũng cho biết, vắc-xin Sputnik V của Nga chống lại Covid-19 có hiệu quả hơn 90%. Dữ liệu thu thập từ việc tiêm chủng của công chúng chứ không phải từ một thử nghiệm đang diễn ra.
Armenia ký thỏa thuận đình chiến với Azerbaijan
Tổng thống Nga Putin ngày 9/11 xác nhận Armenia và Azerbaijan đã đạt được thoả thuận chấm dứt cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh và lực lượng gìn giữ hoà bình Nga sẽ được triển khai dọc theo giới tuyến giữa hai bên.
Thoả thuận dự kiến sẽ tự động gia hạn 5 năm sứ mạng của lực lượng Nga, trừ khi bất kỳ bên nào phản đối trong thời gian 6 tháng trước khi hết hạn.
Một ngôi nhà bị phá hủy ở làng Martakert trong cuộc đụng độ ở Nagorno-Karabakh (Ảnh: Celestino Arce Lavin) |
Sau thông tin về thỏa thuận đình chiến, người dân Armenia giận dữ đập phá tòa nhà chính phủ, đánh bất tỉnh đại biểu quốc hội và yêu cầu thủ tướng từ chức.
Về mặt địa lý, Nagorno-Karabakh nằm gọn trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng người Armenia lại chiếm số đông ở đây.
Năm 1921, Azerbaijan và Armenia là thành viên của Liên Xô, chính quyền Liên bang quyết định sáp nhập Nagorno-Karabakh vào Azerbaijan nhưng giao quyền tự trị. Năm 1980, cơ quan lập pháp Nagorno-Karabakh bỏ phiếu đòi độc lập với Azerbaijan, muốn trở về Armenia, dẫn đến bạo lực, xung đột sắc tộc.
Cuối năm 1991, Nagorno-Karabakh tổ chức trưng cầu dân ý, tuyên bố độc lập, xung đột bùng phát thành chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan năm 1992.
Năm 1994, quân đội Armenia tiến công chiếm Nagorno-Karabakh, thành lập Cộng hòa tự trị Artsakh, nhưng không được quốc tế công nhận. Tháng 5/1994, dưới sự dàn xếp của Nga, hai nước ký thỏa thuận ngừng bắn, giao Nagorno-Karabakh cho Armenia lâm thời quản lý. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh vẫn âm ỉ kéo dài.