Tin tức thế giới 14/1: Nhật Bản sẽ tạm ngừng cấp phép nhập cảnh cho người Việt Nam
Tin tức thế giới hôm nay có những tin chính sau:
43 triệu hecta rừng bị mất trong thập kỷ qua
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) cho biết hơn 43 triệu hecta rừng, rộng hơn diện tích nước Đức đã biến mất chỉ trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số liệu ghi nhận ở một số điểm nóng chặt phá rừng.
43 triệu hecta rừng đã bị mất trong thập kỷ qua (Ảnh: Reuters) |
Những diện tích rừng rất lớn đang tiếp tục bị tàn phá hằng năm, chủ yếu phục vụ nông nghiệp quy mô lớn. Những khu vực đa dạng sinh thái đã bị phát quang để lấy chỗ canh tác và chăn nuôi.
Dữ liệu của WWF cho thấy chỉ 29 điểm nóng tại Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á đã chiếm 50% tổng diện tích rừng bị tàn phá trên toàn cầu. Trong đó, các vùng rừng Amazon và Cerrado thuộc Brazil, vùng rừng Amazon thuộc Bolivia, rừng ở các nước Paraguay, Argentina, Madagascar, Malaysia, hay khu vực Sumatra và Borneo ở Indonesia là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn phá rừng.
Nhật Bản sẽ tạm ngừng cấp phép nhập cảnh cho người dân một số quốc gia
Nhật Bản dự định sẽ tạm dừng cấp phép nhập cảnh đối với những người đi lại vì mục đích công việc đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Trước đó, ngày 28/12/2020, Nhật Bản đã tạm ngừng cấp phép nhập cảnh đối với công dân nước ngoài không sinh sống tại Nhật Bản nhằm khống chế dịch Covid-19, tuy nhiên vẫn tiếp tục cấp phép cho những người đi lại vì mục đích công việc đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có thỏa thuận song phương, trong đó có Việt Nam.
Nhật Bản sẽ không cấp phép nhập cảnh cho tất cả người nước ngoài (Ảnh: AFP) |
Đáng chú ý, mới đây các nhà khoa học của Đại học Keio, Nhật Bản vừa phát hiện ra biến thể mới của virus SARS-CoV-2 khác xa so với các biến thể đã từng ghi nhận ở nước này.Động thái này diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tái bùng phát dữ dội tại xứ sở mặt trời mọc.
Các nhà khoa học đã phân tích gen của các mẫu vật phẩm lấy từ các bệnh nhân đang chữa trị tại 13 bệnh viện trên khắp cả nước. Trong quá trình này, họ đã phát hiện một người ở khu vực Kanto nhiễm một biến thể SARS-CoV-2 có tên gọi “20C”, vốn chủ yếu lây lan ở Bờ Tây nước Mỹ. Đáng chú ý, bệnh nhân này chưa từng đi ra nước ngoài.
Nồng độ CO2 trong khí quyển ảnh hưởng đến sự phát triển của phổi
Nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm nghiên cứu hệ hô hấp Wal-yan của Australia đã quan sát tác động của nồng độ CO2 cao hơn ở chuột thí nghiệm và phát hiện sự phát triển chức năng của phổi ở những con chuột non bị hạn chế.
Tác động bao gồm làm biến đổi túi phổi - phần quan trọng của lá phổi, có nhiệm vụ trao đổi khí - do đó dẫn tới khó thở. Ngoài ra, nồng độ CO2 cao hơn cũng làm thay đổi cấu trúc tự nhiên của phổi. Những biến đổi trên khiến phổi không hoạt động được đủ chức năng.
Nhóm nghiên cứu cho biết công trình này cung cấp bằng chứng đầu tiên về việc nồng độ khí CO2 cao hơn trong không khí có thể ảnh hương đến sự phát triển của phổi. Tuy nhiên, cần tiến hành nghiên cứu thêm để hiểu rõ những tác động đối với sức khỏe toàn diện của trẻ nhỏ trong tương lai. Phổi là cơ quan đầu tiên trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi nồng độ CO2 và biểu hiện ở phổi cho thấy các cơ quan khác cũng có thể bị ảnh hưởng.