Tin tức thế giới 14/12: WHO khởi động chiến dịch toàn cầu “Cam kết bỏ thuốc lá”
Tin tức thế giới hôm nay có những tin chính sau:
WHO khởi động chiến dịch toàn cầu “Cam kết bỏ thuốc lá”
Thông qua chiến dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động hỗ trợ ít nhất 100 triệu người khi họ cố gắng từ bỏ thuốc lá thông qua cộng đồng những người cai thuốc.
WHO đã công bố một bản tóm tắt khoa học vào đầu năm 2020 cho thấy, những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19 cao hơn. Thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và tiểu đường. Bên cạnh đó, những người sống với những điều kiện này dễ bị Covid-19 nghiêm trọng hơn.
Chiến dịch này kéo dài một năm, đến ngày Thế giới không thuốc lá năm 2021 |
Bỏ thuốc lá được coi là một thách thức, đặc biệt trước những căng thẳng xã hội và kinh tế gia tăng do hậu quả của đại dịch Covid-19. Trên toàn thế giới, có khoảng 780 triệu người nói rằng họ muốn bỏ thuốc lá nhưng chỉ 30% trong số đó có quyền truy cập vào các công cụ có thể giúp họ.
Báo tuyết dương tính với Covid-19
Ba con báo tuyết tại sở thú Louisville, Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 khiến nó trở thành loài động vật thứ sáu được xác nhận nhiễm virus sau khi tiếp xúc với con người.
Một trong 3 con báo tuyết nhiễm Covid-19 tại tại sở thú Louisville (Ảnh:CNN) |
Cả ba con đều xuất hiện triệu chứng nhẹ, bao gồm thở khò khè và ho khan. Cục kiểm dịch động thực vật Mỹ cho biết, chúng dường như lây nhiễm từ một nhân viên không có triệu chứng mặc dù sở thủ đã có các biện pháp phòng ngừa.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, một số con chó và mèo ở Mỹ đã nhiễm SARS-CoV-2. Loại virus này không gây tử vong ở đa số loài động vật nhiễm, nhưng dịch bùng phát tại các trang trại nuôi thú lấy lông ở Mỹ và nước ngoài đã giết chết hàng nghìn con chồn nâu.
Số quán ăn bị phá sản tại Nhật Bản năm 2020 có thể cao nhất lịch sử
Đây là khảo sát do Tokyo Shoko Research thực hiện. Trong giai đoạn từ tháng 1 - 11/2020, số vụ phá sản của các công ty có khoản nợ ít nhất 10 triệu Yên (96.000 USD) là 792, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với việc Tokyo và chính quyền một số địa phương ở Nhật Bản một lần nữa yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải rút ngắn giờ làm việc do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, con số này gần như chắc chắn sẽ vượt qua kỷ lục trước đó là 800 vụ ghi nhận vào năm 2011.
Xét về khu vực, Osaka có số vụ quán ăn phá sản nhiều nhất (146), tiếp theo là Tokyo (129) và Aichi (76).
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng đang ảnh hưởng tới cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ hơn. Tổng số vụ phá sản lên đến khoảng 2.400 khi tính đến các doanh nghiệp đã tự nguyện đóng cửa hoặc phá sản với các khoản nợ dưới 10 triệu Yên.