Tin tức thế giới 17/3: Phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Ukraine nguy hiểm hơn
Tin tức thế giới hôm nay có những tin chính sau:
Thái Lan: Thủ tướng Prayut là người đầu tiên tiêm vắc-xin AstraZeneca
Ngày 16/3, Thủ tướng Thái Lan, Prayut Chan-ocha là người đầu tiên tại nước này được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca, sau khi việc triển khai tiêm vắc-xin tại nước này bị tạm ngừng do những lo ngại về tính an toàn.
Theo kế hoạch ban đầu, ông Prayut và các thành viên Chính phủ Thái Lan dự định tiêm vaccine AstraZeneca vào ngày 12/3. Song, kế hoạch đã bị hoãn sau khi có những hoài nghi, loại vắc-xin này có thể gây biến chứng đông máu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan hôm 15/3 thông báo, chiến dịch tiêm chủng sẽ được tiếp tục bởi nhiều quốc gia cho biết, vắc-xin ngừa Covid-q9 của AstraZeneca không phải là nguyên nhân gây đông máu.
Phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Ukraine nguy hiểm hơn
Người đứng đầu chi nhánh Kyiv của Cục Nhà nước về An toàn thực phẩm và Bảo vệ người tiêu dùng Ukraine, ông Oleg Ruban, ngày 15/3 cho biết nước này đã phát hiện một biến thể virus SARS-CoV-2 mới, có dấu hiện của một số loại virus đã được biết đến.
Khách hàng được đo thân nhiệt trước khi vào một cửa hang tại Kyiv, Ukraine (Ảnh: Volodymyr Shuvayev) |
Ông Ruban thông báo: “Virus được xác nhận và có dấu hiệu của biến thể virus tại Anh, vốn là một biến thể của chủng ở Nam Phi và Brazil. Ngoài ra, nó còn chứa những dấu hiệu cho đến nay WHO chưa ghi nhận. Một số đặc điểm nguy hiểm của biến thể virus này là tính hung hăng, lây lan nhanh chóng và mới”.
Nồng độ bụi mịn ở 80% quốc gia trên thế giới vượt mức giới hạn của WHO
Theo báo cáo của IQAir công bố ngày 16/3, việc nhiều nước đình chỉ hoàn toàn hoặc một phần hoạt động giao thông vận tải và sản xuất trong nhiều tháng của năm 2020 đã giúp giảm nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình trên toàn thế giới, kể cả ở các thành phố lớn.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết chỉ có 24 trong số 106 quốc gia được khảo sát đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của WHO. Trung Quốc và nhiều quốc gia ở Nam Á chứng kiến nồng độ PM2.5 cao gấp vài lần so với mức tiêu chuẩn. Ở một số khu vực, nồng độ bụi mịn thậm chí còn cao gấp 6-8 lần. Đáng lưu ý, 22% số thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới nằm ở Ấn Độ.
Các thủ đô ô nhiễm nhất trên thế giới trong năm 2020 là New Delhi (Ấn Độ, 84 mcg/m3) và Dhaka (Bangladesh, 77 mcg/m3), trong đó Jakarta (Indonesia), Kathmandu (Nepal), Islamabad (Pakistan) và Bắc Kinh nằm trong tốp 20. Khoảng 50% số thành phố ở châu Âu vượt mức giới hạn của WHO.