Tin tức thế giới 31/10: Sau bão Molave, Philippines có thể chuẩn bị đón thêm hai cơn bão mới
Tin tức thế giới hôm nay có những tin chính sau:
Sau bão Molave, Philippines có thể chuẩn bị đón thêm hai cơn bão mới
Theo Hội đồng Giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia của Philippines, hiện vẫn còn 4 người mất tích và 39 người khác bị thương sau khi bão Molave hoành hành ở Philippines từ ngày 25 - 27/10.
Bão Molave gây thiệt hại nặng nề khi đổ bộ vào Philippines (Ảnh: AFP) |
Bão Molave, cơn bão nhiệt đới thứ 17 đổ bộ Philippines trong năm nay, đã khiến hơn hơn 775.000 người tại hơn 2.400 ngôi làng ở 7 khu vực trên hòn đảo chính Luzon và miền Trung Philippines phải rời bỏ nhà cửa, đồng thời gây ra lũ lụt và lở đất.
Trong khi đó, cơ quan dự báo thời tiết của Philippines (PAGASA) cho biết sau bão Molave, nước này đang chuẩn bị ứng phó với cơn bão Goni được dự báo sẽ đổ bộ bờ biển phía Đông của đảo Luzon đêm 1/11 hoặc sáng 2/11 tới. Theo cơ quan này, một số tỉnh của Philippines từng chịu ảnh hưởng của bão Molave nằm trên đường đi của bão Goni.
Ngoài bão Goni, PAGASA cũng đang theo dõi đang theo dõi một cơn bão nhiệt đới khác ở vùng biển ngoài khơi Philippines. Tâm bão đang cách Mindanao 2.320km về phía Đông. Cơn bão có tên quốc tế là Atsani có sức gió tối đa tới 65km/h, gió giật tới 80km/h.
Nguy cơ đại dịch từ 850.000 virus lạ trên động vật
Các nhà khoa học cảnh báo có tới 850.000 virus chưa được phát hiện ẩn náu trên các loài chim và động vật có vú, một ngày nào đó có thể lây nhiễm sang con người.
Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo mới của nhóm 22 chuyên gia quốc tế. Họ cho biết nếu không hành động để bảo vệ thế giới hoang dã, sẽ ngày càng có nhiều đại dịch hơn và đại dịch sẽ tồi tệ hơn.
Các chuyên gia cho rằng cần phải ngăn chặn dịch bệnh có nguồn gốc động vật ngay từ đầu hơn là đối phó với chúng bằng các biện pháp y tế và vắc-xin. Họ khẳng định chỉ bằng cách này thì con người mới có thể thoát khỏi kỷ nguyên đại dịch.
Theo đó, con người cần chấm dứt hành vi khai thác môi trường không bền vững bằng cách chấm dứt phá rừng, nông nghiệp thâm canh và buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.
Hành vi buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã đã khiến con người và gia súc ngày càng tiếp xúc nhiều với thế giới hoang dã và đây là nguyên nhân gây ra hầu hết các đại dịch.
Động đất rung chuyển Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ
Động đất 7 độ rung chuyển Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Getty) |
Một trận động đất mạnh tới 7 độ Richter vừa tấn công Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Trận động đất có tâm chấn sâu 16 km, nằm ở khu vực ngoài khơi cách tỉnh Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ) hơn 17 km.
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca thông báo đã có ít nhất 4 người thiệt mạng và 120 người bị thương sau động đất. Ngoài ra, ít nhất 20 tòa nhà tại Izmir bị sập trong trận động đất và một số người đang mắc kẹt trong đống đổ nát. Trong khi đó, giới chức Hy Lạp chưa có thống kê thương vong.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều trận động đất nhất thế giới. Hơn 17.000 người thiệt mạng trong vụ động đất 7,6 độ xảy ra tại Izmit hồi tháng 8/1999. Năm 2011, cơn địa chấn ở thành phố Van (phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ) làm 500 người chết.