Tin tức trong ngày 16/6: TP Hồ Chí Minh đề xuất được chủ động tìm mua vắc xin phòng dịch Covid-19
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh sẽ vượt qua thử thách TP Hồ Chí Minh: Một bệnh nhân COVID-19 đã tử vong Thành đoàn TP Hồ Chí Minh khởi động chương trình hè 2021 linh hoạt trong mùa dịch bệnh |
TP Hồ Chí Minh đề xuất được chủ động tìm mua vắc xin phòng dịch Covid-19
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho thành phố trong bối cảnh vi rút biến chủng Ấn Độ và Anh đang lây lan nhanh, khiến tình hình dịch Covid-19 tại đây diễn biến phức tạp.
TP Hồ Chí Minh có trên 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên; Số công nhân và người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong các khu công nghiệp là rất lớn (trên 1,6 triệu người). Tuy nhiên, TP mới nhận được 140.000 liều vắc xin phòng Covid-19 và đã triển khai tiêm mũi 1 cho 64.366 người; 10.179 người tiêm đủ 2 mũi.
Trong khi đó, để đạt được miễn dịch cộng đồng, cần có hơn 70% dân số TP Hồ Chí Minh trong độ tuổi được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Vì vậy, vấn đề chủ động tìm nguồn mua vắc xin là rất cấp bách.
UBND TP kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn được chủ động đàm phán tìm nguồn vắc xin từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới.
Sau khi vắc xin được Bộ Y tế cấp phép, nhập khẩu về Việt Nam và được kiểm định bảo đảm chất lượng, TP Hồ Chí Minh đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp của thành phố được ký hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng tiêm chủng triển khai tiêm vắc xin cho toàn thể cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, chất lượng, giá dịch vụ tiêm chủng theo hợp đồng thỏa thuận giữa doanh nghiệp và đơn vị tiêm chủng.
Lần đầu tiên Giải Báo chí quốc gia có giải Đặc biệt
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải báo chí quốc gia Hồ Quang Lợi, điểm mới nổi bật của Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020 đó là lần đầu tiên, có một tác phẩm xứng đáng được trao giải Đặc biệt. Đó là bộ phim truyền hình “Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh, Biên niên sử truyền hình” của Báo Nhân dân.
Đây là một bộ phim kéo dài 90 tập ứng với 90 năm ngày Đảng ta ra đời. Có thể nói, lần đầu tiên có một bộ phim truyền hình có tầm vóc, với ý nghĩa sâu sắc về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử đất nước ta suốt thể kỷ XX cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI.
Bộ phim có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, được làm công phu trong vòng 4 năm và có những tư liệu khai thác được từ những quốc gia như Mỹ, Pháp, Trung Quốc và một số nước khác. Hệ thống tư liệu đó đã tiếp cận được, khai thác và lần đầu tiên được công bố. Quan trọng hơn, có những vấn đề rất khó, rất nhạy cảm mà lần đầu tiên được công khai trên đài quốc gia.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải báo chí quốc gia Hồ Quang Lợi thông tin tại buổi họp báo |
Một điểm mới nổi bật khác, theo ông Hồ Quang Lợi, đó là năm nay Giải tiếp tục nhận được nhiều tác phẩm báo chí sử dụng rất hiệu quả công nghệ truyền thông, được thể hiện trong một số dạng thức mới như megastory, e-magazine, longform, inforgraphic. Đây là những dạng thức báo chí không hoàn toàn mới bởi nhiều tờ báo điện tử đã sử dụng mấy năm nay, tuy nhiên, các tác phẩm qua vòng sơ khảo, chung khảo và sau đó được giải đã thể hiện rất thành công những dạng thức mới này.
Ông Hồ Quang Lợi cho biết thêm, khoảng cách về chất lượng giữa báo chí Trung ương và báo chí địa phương đã không còn xa như những năm trước. Năm nay, có một số tác phẩm đoạt giải A thuộc về hội nhà báo địa phương. Đó là những dấu hiệu rất tích cực trong giải thưởng.
Ngoài giải Đặc biệt nói trên, Hội đồng chung khảo đã lựa chọn được 150 tác phẩm từ 1.823 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải theo quy định và chọn ra được 9 giải A, 25 giải B, 45 giải C, 32 giải Khuyến khích.
Do dịch bệnh Covid-19, năm nay Lễ tổng kết và trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XV- năm 2020 không được tổ chức vào ngày 21/6 như mọi năm mà sẽ diễn ra vào dịp Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài truyền hình Việt Nam, VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam.
Hà Nội cơ cấu lại tổ chức của 6 đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2541/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án và tổ chức sắp xếp lại, nâng cao năng lực theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập thuộc thành phố Hà Nội.
Theo đó, tổ chức bộ máy các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập thuộc thành phố, Nhà hát múa rối Thăng Long gồm: Ban Giám đốc; Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Tổ chức biểu diễn và nghệ thuật, Đoàn diễn viên 1, Đoàn diễn viên 2.
Nhà hát Chèo Hà Nội: Ban Giám đốc; Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Tổ chức biểu diễn và nghệ thuật, Đoàn diễn viên 1, Đoàn diễn viên 2, Đoàn diễn viên 3.
Nhà hát Cải lương Hà Nội: Ban Giám đốc; Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Tổ chức biểu diễn và nghệ thuật, Đoàn Chuông Vàng, Đoàn Kim Phụng, Đoàn Hoa Mai.
Nhà hát Kịch Hà Nội: Ban Giám đốc; Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Tổ chức biểu diễn và nghệ thuật, Đoàn diễn viên 1, Đoàn diễn viên 2, Đoàn diễn viên 3.
Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long: Ban Giám đốc; Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Tổ chức biểu diễn và nghệ thuật, Đoàn Ca nhạc dân tộc, Đoàn Ca nhạc nhẹ, Đoàn Múa.
Nhà hát Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội: Ban Giám đốc; Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng Tổ chức biểu diễn và nghệ thuật, Đoàn diễn viên 1, Đoàn diễn viên 2, Đoàn diễn viên 3.
Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập của thành phố có giám đốc và không quá 2 phó giám đốc. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ có trưởng phòng và không quá 1 phó trưởng phòng; các đoàn nghệ thuật có trưởng đoàn và không quá 1 phó trưởng đoàn.
Trước mắt, UBND TP cho phép, tạm thời giữ nguyên số lượng phó giám đốc, phó trưởng phòng, phó trưởng đoàn hiện có trong vòng 3 năm.