Tin tức trong ngày 17/5: Hà Nội mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh dịch vụ hai tuyến buýt CNG04, CNG07
Mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh dịch vụ hai tuyến buýt CNG04, CNG07
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội về phương án kết nối, mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh dịch vụ đối với các tuyến buýt CNG04, CNG07 sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG) do Công ty TNHH Du lịch, Dịch vụ xây dựng Bảo Yến đảm trách.
Việc mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh), huyện Hoài Đức và Quốc Oai; Nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên và người lao động; Thu hút thêm hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Hà Nội chấp thuận đề xuất mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh dịch vụ hai tuyến buýt CNG04, CNG07 |
Theo phương án đề xuất, đối với tuyến buýt CNG04 Kim Lũ (Sóc Sơn) - Nam Thăng Long: Điều chỉnh lộ trình tuyến đi qua khu vực đường liên xã Kim Nỗ (đường 18) - đường bê tông Thăng Long tiếp cận đến trung tâm xã Kim Nỗ và điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ của tuyến CNG04 từ 20-30 phút/lượt thành 15-20-30 phút/lượt với 106 lượt xe/ngày (tăng 20 lượt xe/ngày). Giá vé 9.000 đồng/lượt/hành khách.
Đối với tuyến buýt CNG07 Bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức: Điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ từ 20-30 phút/lượt thành 15-20-30 phút/lượt, với 96 lượt xe/ngày (tăng 12 lượt xe/ngày).
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hai tuyến buýt CNG04 và CNG07 bắt đầu đi vào hoạt động từ quý IV/2019 theo hình thức đặt hàng. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, hai tuyến buýt cơ bản hoạt động ổn định theo đúng các chỉ tiêu khai thác đã được phê duyệt, được nhân dân các địa phương nơi tuyến buýt đi qua tin tưởng, tham gia sử dụng dịch vụ.
Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 song hai tuyến buýt CNG04, CNG07 vẫn bảo đảm vận chuyển hành khách ổn định, an toàn, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách, góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG). Tuy nhiên, tại xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh), hiện có hai tuyến buýt hoạt động (tuyến CNG 03 và 25) với tổng cộng 290 lượt xe/ngày, mới chỉ phục vụ được một phần nhỏ nhu cầu đi lại của người dân do các tuyến hoạt động phía ngoài, điểm dừng của tuyến cách vị trí trung tâm xã khoảng từ 1,5 - 2,5km.
Như vậy, hiện trạng mạng lưới xe buýt hiện nay chưa thực sự thuận tiện cho người dân trong xã Kim Nỗ tiếp cận và chưa khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, phương án mở rộng vùng phục vụ của tuyến buýt CNG04 qua trung tâm xã Kim Nỗ và tăng tần suất dịch vụ đối với tuyến buýt CNG04, CNG07 cơ bản phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân.
Gần 270 sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đi Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch
Chiều 16/5, gần 270 sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương lên đường đến hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hỗ trợ việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tại lễ ra quân, Hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, TS Đinh Thị Diệu Hằng đã động viên tinh thần các giảng viên, sinh viên tham gia chi viện cho hai tỉnh, đồng thời khẳng định nhà trường sẽ nỗ lực vừa hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch của năm học, vừa chủ động tham gia phòng, chống dịch trong mọi tình huống.
Gần 270 sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đi Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch |
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tặng hoa, động viên, chia sẻ và giao nhiệm vụ cho đoàn giảng viên, sinh viên tham gia chi viện chống dịch Covid-19 ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cố gắng khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của những “chiến sĩ” áo trắng trong giai đoạn đất nước đang chống dịch như chống giặc.
Chiều cùng ngày, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã tái thành lập Bệnh viện dã chiến theo yêu cầu của Bộ Y tế để tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân từ Bệnh viện K Trung ương chuyển về, nhằm bảo đảm tốt hơn việc bảo vệ và điều trị nhóm bệnh nhân yếu thế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp.
100% mẫu xét nghiệm của người trở về từ Đà Nẵng đều âm tính
Chiều 16/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội công bố kết quả các mẫu xét nghiệm người trở về Đà Nẵng.
Theo đó, tính đến 17h ngày 16/5, 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm 10.190 người đã đến thành phố Đà Nẵng từ ngày 1 đến 14/5, trong đó có 3.296 mẫu được gửi đến CDC Hà Nội và 6.894 mẫu được chuyển đến các bệnh viện được công nhận đủ tiêu chuẩn xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 trên địa bàn Hà Nội. Kết quả, 10.190/10.190 mẫu đều âm tính với SARS-CoV-2.
100% mẫu xét nghiệm của người trở về từ Đà Nẵng đều âm tính |
Trước đó, tối 14/5, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Văn bản khẩn gửi chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về việc rà soát, quản lý, xét nghiệm cho người từng đến Đà Nẵng, khi trên địa bàn Hà Nội ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sau khi trở về từ Đà Nẵng tiếp tục lây nhiễm, hình thành các ổ dịch phức tạp tại một số quận, huyện.
Cụ thể, đối với những người đã đến Đà Nẵng từ ngày 1/5 đến 14/5, được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, được yêu cầu tự cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến, ở thành phố Đà Nẵng.
Với tất cả trường hợp từng đến Đà Nẵng chưa qua 28 ngày, nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì phải được chuyển ngay đến các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời.