Tin tức trong ngày 18/11: Tăng mức tặng quà Tết đối với người có công với cách mạng
Ban Bí thư nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức Hà Nội: Bổ sung thêm 2.000 suất quà cho người dân gặp khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán |
Tăng mức tặng quà Tết đối với người có công với cách mạng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước về việc tặng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Theo đó, mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành 2 loại: 600.000 đồng và 300.000 đồng.
Mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành 2 loại: 600.000 đồng và 300.000 đồng. |
Cụ thể, mức quà tặng 600.000 đồng dành các đối tượng người có công với cách mạng như: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (có 695 người với số tiền 417 triệu đồng); Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (1.885 người, kinh phí 1,131 tỷ đồng); Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (4.897 mẹ, số tiền gần 3 tỷ đồng); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (673 người, kinh phí trên 403 triệu đồng);
Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (14.273 người, kinh phí gần 8,6 tỷ đồng); Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (13.219 người, số tiền gần 8 tỷ đồng);
Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng (2.020 người, kinh phí 1,212 tỷ đồng); Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng; Thân nhân của hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Mức quà 300.000 đồng dành tặng đối tượng người có công là: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Đại diện thân nhân liệt sĩ và người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân).
Như vậy, mức quà Tết đối với người có công với cách mạng đã tăng từ 200.000 - 400.000 đồng/người lên từ 300.000 - 600.000 đồng/người.
Không bắt buộc học sinh mặc đồng phục khi trời rét
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các đơn vị trực thuộc yêu cầu thực hiện một số giải pháp nhằm bảo đảm sức khỏe và phòng, chống rét cho học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; Phối hợp với cha mẹ học sinh quan tâm, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm; Không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong ngày trời rét.
Trong những ngày trời rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho phép các nhà trường có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần giải quyết kịp thời để học sinh không phải nghỉ học.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong ngày trời rét. |
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học, đặc biệt là các trường học ở vùng nông thôn, miền núi và các lớp điểm lẻ, các lớp ở địa bàn khó khăn cần chú ý bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất; thường xuyên kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Các trường mầm non cần bảo đảm có nước ấm để chăm sóc trẻ.
Đối với các trường học có tổ chức bán trú, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị bảo đảm đủ thức ăn và thực phẩm sạch, chế độ ăn hợp lý, cơm, thức ăn, nước uống bảo đảm nóng, chỗ nghỉ trưa ấm; Chuẩn bị đủ cơ số thuốc theo quy định phục vụ công tác y tế học đường.
Bỏ cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975
Ngày 14/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và đã không còn quy định phải cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975.
Nghị định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài; Các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Theo Nghị định 79 trước đây, việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật được tách thành hai nhóm với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài và tác phẩm sau năm 1975.
Với tác phẩm sáng tác sau năm 1975 sẽ không cần phải cấp phép phổ biến mà chỉ cần cấp phép biểu diễn theo từng chương trình cụ thể. Tuy nhiên, với tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam ở hải ngoại phải được cấp phép phổ biến, sau đó mới được đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Nghị định mới đã bỏ quy định cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.