Tin tức trong ngày 2/11: Tiếp tế 10 tấn hàng cứu trợ cho 3.000 dân bị cô lập ở Quảng Nam
Trực thăng thả hàng cứu trợ cho 3.000 dân bị cô lập ở Quảng Nam
Trong ngày 1/11, máy bay trực thăng Mi17 số hiệu 8432 do Thượng tá Nguyễn Ngọc Trung, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 930 Quân chủng PKKQ làm Cơ trưởng đã 2 lần chuyển 4 tấn hàng cứu trợ tới các xã Phước Lộc, Phước Thành, huyện Phước Sơn. Đây là điểm bị cô lập mà tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Quốc phòng ứng cứu hỗ trợ khẩn cấp.
Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng Phòng Quân huấn F372, Chỉ huy bay tại huyện Phước Sơn cho biết: “Ngoài phương án vận chuyển bằng dường không thì địa phương đã có phương án đi bằng đường bộ cho lực lượng dân quân tự vệ gùi, tăng bo từng đoạn 1, tời cẩu qua các khe suối để đưa các nhu yếu phẩm cần thiết đến cho đồng bào”.
Máy bay trực thăng chở hàng cứu trợ các xã Phước Lộc, Phước Thành, huyện Phước Sơn |
Như vậy, ngoài 4 tấn lương thực được chuyển bằng đường hàng không, có 6 tấn lương thực được chuyển bằng đường bộ.
Trước đó, do mưa lớn và giao thông chia cắt nhiều ngày qua khiến hai xã Phước Lộc và Phước Thành (huyện Phước Sơn) với khoảng 3.000 dân bị cô lập.
Hiện, 2 xã này lương thực, thực phẩm sắp cạn kiệt, nguy cơ thiếu đói, thiếu muối, thiếu áo quần mặc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm tra mô hình du lịch farmstay
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và các trang quảng cáo mời gọi đầu tư bất động sản có xuất hiện mô hình dự án du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay) tại nhiều địa phương (Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, TP Hồ Chí Minh...)
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là mô hình dự án có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều ngành như: Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng...
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thành lập tổ kiểm tra liên ngành để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố có biện pháp quản lý, giải quyết đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện.
Đối với lĩnh vực quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị kiểm tra, rà soát, thống kê các khu vực đang tồn tại các mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay) nêu trên; Xác định các khu có vi phạm pháp luật đất đai, làm rõ từng hành vi vi phạm, lập hồ sơ để xử lý kịp thời theo đúng quy định; Các khu chưa có vi phạm pháp luật đất đai hoặc có vi phạm nhưng chưa có chế tài xử lý, chưa có trong quy định của pháp luật đất đai để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các trường hợp có thể xảy ra vi phạm (nếu có) và có hướng nghiên cứu đánh giá đối với các mô hình nêu trên để đề xuất phương án quy hoạch hoặc biện pháp xử lý phù hợp với phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm tra mô hình du lịch farmstay |
Chính quyền địa phương các cấp cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan đến việc đầu tư, kinh doanh đối với các dự án nêu trên để tránh tình trạng vi phạm pháp luật đất đai về chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; Công khai trên các phương tiện thông tin của địa phương các khu vực, dự án có sai phạm để người dân và doanh nghiệp biết, tránh đầu tư, mua, bán, dẫn đến thiệt hại về kinh tế và vi phạm pháp luật.
Thêm 2 tuyến buýt kết nối với Khu liên cơ Võ Chí Công
UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận phương án tăng cường các tuyến xe buýt phục vụ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Khu liên cơ Võ Chí Công (quận Tây Hồ) nhằm giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân.
Theo đó, tuyến buýt số 33 (Cụm công nghiệp Thanh Oai - Xuân Đỉnh) tiếp cận đến khu liên cơ với 118 lượt/ngày, tần suất 16-20 phút/lượt, giá vé 7.000 đồng/lượt/hành khách.
Tuyến buýt số 27 (Bến xe Yên Nghĩa - Nam Thăng Long) tăng cường một số xe chạy thẳng tới khu liên cơ vào các khung giờ cao điểm sáng, chiều với 270 lượt/ngày, giá vé 7.000 đồng/lượt/hành khách.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Tổng công ty Vận tải Hà Nội, UBND quận Tây Hồ và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện theo quy định, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm.
Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trước đó, để phục vụ cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân, thành phố đã bố trí 4 tuyến buýt (09A, 96, CNG03, 68) đi qua khu liên cơ và các tuyến buýt 13, 25, 33, 55A, 90, 60A tiếp cận khu liên cơ với cự ly dưới 500m.