Tin tức trong ngày 2/6: Đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho công chức, viên chức
Đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho công chức, viên chức
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản số 2499/BNV-CCVC gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Theo đó, qua rà soát các quy định và tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, đánh giá về thực trạng bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cho rằng, việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về chuẩn đầu ra phải đạt trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng; Còn sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ GD&ĐT quy định…
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số nội dung như: Đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, bao gồm: Bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.
Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức daanh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí làm việc làm. Theo đó, đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Ảnh minh họa |
Trên cơ sở đó, cũng giao Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng: Không quy định cụ thể các chương trình bồi dưỡng theo các ngạch công chức hoặc hạng viên chức; Thời hạn mỗi chương trình đào tạo bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp không quá 8 tuần; Nội dung, chương trình, hình thức, thời gian do Bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể.
Đồng thời, quy định việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý được thực hiện trước hoặc sau khi bổ nhiệm (thực hiện tương tự như bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng và an ninh); sửa quy định về bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm làm căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức.
Sửa đổi quy định về việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng, theo đó chỉ quy định về việc thay thế giữa các loại chứng chỉ, còn việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng hoặc bổ nhiệm sẽ được quy định tại các văn bản khác của Chính phủ có liên quan đến công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý theo hướng không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; nghiên cứu quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp cho phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động nghề nghiệp của công chức, viên chức; xem xét lồng ghép các chương trình bồi dưỡng do Bộ quản lý chuyên ngành quy định.
Rà soát, sửa đổi các chương trình bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chuyên ngành được giao quản lý để tránh trùng lặp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo quy định mới tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP.
Hà Nội thành lập 188 điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Dự kiến toàn thành phố có 188 điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 |
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quyết định thành lập các điểm thi. Theo đó, toàn thành phố có 188 điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Tuy nhiên, danh sách điểm thi có thể sẽ được điều chỉnh căn cứ diễn biến thực tế của dịch Covid-19.
Các điểm thi đặt tại các trường trung học cơ sở, THPT có đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn và được trang bị vật tư y tế, bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức các đoàn trực tiếp kiểm tra tại từng điểm thi, kịp thời nhắc nhở lãnh đạo các nhà trường bổ sung, hoàn thiện các điều kiện tổ chức kỳ thi bảo đảm mục tiêu đề ra.
Mỗi điểm thi có khoảng hơn 20 phòng thi. Điểm thi Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) có quy mô lớn nhất với 45 phòng thi. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi điểm thi đều bố trí 2 phòng thi dự phòng, có phòng y tế, phòng cách ly theo quy định.
Danh sách 188 điểm thi này cũng đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi tới các sở, ngành, đơn vị, UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội để phối hợp trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra ngày 7 và 8/7. Thành phố Hà Nội có hơn 101.000 học sinh đăng ký tham dự kỳ thi này, nhiều hơn 22.000 học sinh so với năm 2020.