Tin tức trong ngày 28/9: Gần 5.000 người chết vì tai nạn giao thông trong 9 tháng năm 2020
Gần 5.000 người chết vì tai nạn giao thông trong 9 tháng năm 2020
Trong 9 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 10.354 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 4.876 người, bị thương 7.609 người.
Đối chiếu với tình hình TNGT trong 9 tháng năm 2019 cho thấy, TNGT năm nay đã giảm sâu trên cả 3 triêu chí. Trong đó, số vụ TNGT năm nay giảm 2.321 vụ, số người chết giảm 783 người, số người bị thương giảm 2.010 người.
Về tình hình TNGT cụ thể trong từng lĩnh vực giao thông, trong 9 tháng năm 2020, đường bộ xảy ra 5.849 vụ, làm chết 4.770 người, bị thương 3.106 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 695 vụ, giảm 756 người chết, giảm 479 người bị thương.
Gần 5.000 người chết vì tai nạn giao thông trong 9 tháng năm 2020 |
Đường sắt xảy ra 71 vụ, làm chết 57 người, bị thương 16 người; So với cùng kỳ năm trước giảm 50 vụ, giảm 44 người chết, giảm 25 người bị thương. Đường thuỷ xảy ra 50 vụ, làm chết 40 người, làm bị thương 5 người; So với cùng kỳ năm trước, tăng 7 vụ, tăng 21 người chết, giảm 2 người bị thương.
Riêng hàng hải xảy ra 10 vụ, làm chết 9 người, không có người bị thương; So với cùng kỳ năm trước số vụ không thay đổi, giảm 4 người chết và mất tích, số người bị thương không thay đổi.
Tính riêng tháng 9/2020 (từ 15/8 đến 14/9), cả nước xảy ra 1.184 vụ tai nạn giao thông, làm chết 534 người và làm bị thương 882 người; So với tháng cùng kỳ năm 2019 giảm 160 vụ, giảm 29 người chết, giảm 150 người bị thương.
Hà Nội phát hiện đơn vị vận tải có hàng trăm xe “trốn” truyền dữ liệu giám sát hành trình
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Hợp tác xã Dịch vụ du lịch và vận tải Sông Lam thực hiện ngay việc truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình các ô tô kinh doanh vận tải thuộc quyền quản lý của đơn vị lên hệ thống thông tin, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 1/10.
Đơn vị này có tới 533 phương tiện không truyền dữ liệu giám sát hành trình theo quy định, trong đó có rất nhiều phương tiện có tới 23 ngày trong 1 tháng không truyền dữ liệu.
Ngoài ra, Hợp tác xã Dịch vụ du lịch và vận tải Sông Lam cũng chưa báo cáo về Sở GTVT Hà Nội các nội dung theo quy định như: Báo cáo về việc khám sức khỏe, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho lái xe; hợp đồng vận chuyển hàng hóa và giấy phép vận tải; chưa có báo cáo về việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ cũng như báo cáo về việc lắp đặt, quản lý, khai thác thông tin từ camera…
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Hợp tác xã Dịch vụ du lịch và vận tải Sông Lam trong trường hợp ngừng kinh doanh đối với các ô tô không truyền dữ liệu thì báo cáo về Sở (nộp kèm theo phù hiệu). Trường hợp tiếp tục không truyền dữ liệu, không thực hiện báo cáo đầy đủ các nội dung theo yêu cầu, Sở GTVT Hà Nội sẽ xử lý theo quy định.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội cũng đã phát hiện Hợp tác xã Giao thông vận tải Toàn Cầu có hơn 800 phương tiện không truyền đầy đủ dữ liệu giám sát hành trình theo quy định.
Đoàn bác sĩ quốc tế Cuba được đề cử giải Nobel Hòa bình
Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC) đã chính thức đề cử phái đoàn bác sĩ Quốc tế chuyên ứng phó các Tình trạng Thảm họa và Dịch bệnh nguy cấp “Henry Reeve” của Cuba cho giải thưởng Nobel Hòa bình 2020.
Trong thư đề cử gửi Ủy ban Nobel Na Uy, WPC nhấn mạnh những thách thức lớn mà nhân loại đang đối mặt do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và khẳng định công việc của đoàn y tế “Henry Reeve” của Cuba không mang tính tình thế mà là một phần “truyền thống lâu năm của Cuba trong việc chăm sóc đầy tính nhân văn tới các dân tộc khác, bất chấp việc phải chịu đựng những trừng phạt vô cùng nặng nề từ hơn 6 thập kỷ qua và từng tước đi nhiều quyền lợi chính đáng của người dân Cuba”.
Đích thân Chủ tịch Cuba Miguel Diáz-Canel đã công bố thông tin này trên tài khoản Twitter cá nhân: “Cuba trước thế giới: bác sĩ thay vì bom đạn. Hội đồng Hòa bình thế giới đã chính thức đề cử đoàn y tế Cuba Henry Reeve cho Giải thưởng Nobel Hòa bình”.
Đoàn y tế Cuba Henry Reeve đã hoạt động tại nhiều nơi trên thế giới. Theo thống kê chính thức, hiện tại đoàn gồm 3.700 chuyên gia y tế, được chia thành 46 nhóm, hoạt động tại 39 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ riêng trong nhiệm vụ đối phó đại dịch Covid-19. Còn theo thống kê của WPC, các sứ giả nhân đạo này đã tham gia giúp đỡ hỗ trợ các nạn nhân của 16 trận lụt, 8 cơn bão lớn, 8 trận động đất và 4 đại dịch y tế trên khắp thế giới.