Lái xe lấn làn, lấn tuyến: Nguy hiểm khôn lường
Giấy phép lái xe được cấp điểm mỗi năm: Công khai dữ liệu vi phạm Hải Phòng: Khởi tố lái xe gây tai nạn khiến nữ công an tử vong Luật Giao thông: Thông qua đề xuất Giấy phép lái xe có 12 điểm |
Những hành vi vi phạm an toàn và thiếu văn hoá giao thông phổ biến đến mức nhiều người coi đó là thói quen, hiển nhiên khi đi đường và gây nên sự hỗn loạn trên đường phố.
Vào giờ cao điểm, tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương như “ác mộng” đối với người tham gia giao thông vì dường như ngày nào cũng ùn ứ, tắc đường. Những dòng xe dài nối đuôi nhau, nhích từng gang tấc. Tại một số ngã ba, ngã tư trên tuyến đường này, khi đèn đỏ, các xe được phép rẽ phải thì không thể rẽ được vì bị vướng xe khác. Xe máy tràn lên vỉa hè để đi. Giao thông ùn tắc nghiêm trọng.
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội giờ tan tầm |
Lỗi lấn làn, lấn tuyến thường xuyên xảy ra ở đây, xe ô tô đi vào làn xe máy, xe máy, xe đạp điện đi ra làn ô tô; Các loại xe lấn vào tuyến đường của xe buýt BRT. Tất cả trường hợp này đều vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông, có nguy cơ tai nạn lớn.
Hàng ngày chị Lê Thị Mai (trú tại Hà Đông, Hà Nội) tham gia giao thông trên tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Luơng để đến cơ quan tại quận Hoàn Kiếm làm việc. Chị Mai rất bức xúc khi nhiều người đi xe máy, xe đạp điện lấn làn đường, đụng đuôi xe người đi trước, tạt đầu xe người đi sau, luôn “điền vào chỗ trống” bất kể đang lấn làn ô tô, mặc kệ tính mạng bản thân và gây thêm mức độ ùn tắc giao thông.
Chị Mai bày tỏ: “Tôi thật sự mệt mỏi khi ngày nào cũng phải gồng mình chống chọi với tắc đường. Mỗi ngày đi làm, tôi mất 2 tiếng đi đường và cộng thêm 30 - 40 phút, thậm chí cả tiếng đồng hồ nữa vì đường tắc không thể di chuyển nhanh. Tôi mong sao các cấp lãnh đạo can thiệp, tìm cách giải quyết ùn ứ giao thông trên tuyến đường này. Bên cạnh đó, tôi cũng mong mỗi người tham gia giao thông hãy tự ý thức để hạn chế tắc đường”.
Các phương tiện giao thông ô tô, xe máy hỗn độn gây ùn tắc giao thông |
Tham gia giao thông tại Hà Nội, chúng ta không hiếm gặp hình ảnh những người chạy xe máy rất nhanh và lấn tuyến sang đường ô tô, trong đó có nhiều thanh niên, kể cả phụ nữ đưa đón con đi học; Hoặc họ lấn tuyến để sang đường, rẽ ngã ba, ngã tư nhưng không quan sát và bật tín hiệu xi-nhan…
Người điều khiển phương tiện đi sai phần đường, lấn làn không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh. Nhiều bạn trẻ đi xe máy, xe đạp điện chạy vào làn ô tô, xe buýt BRT. Anh Lê Văn Hùng, người dân tham gia giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương, từng chứng kiến nhiều “pha” va chạm vì lấn tuyến, lấn làn.
“Tôi bắt gặp khá nhiều trường hợp, tuy nhiên thật may mắn, họ chỉ bị trầy xước da nhẹ. Thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra rất thương tâm trên nhiều tuyến đường Hà Nội. Tôi mong rằng, tình trạng tắc đường sẽ sớm được thành phố giải quyết”, anh Hùng bày tỏ.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 và chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2020, người tham gia giao thông không đi đúng làn đường, phần đường của mình sẽ bị phạt: - Đối với xe ô tô: Phạt tiền từ 3 - 0 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 1 - 3 tháng. Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10- 12 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 2 - 4 tháng. - Đối với xe máy: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 2 - 4 tháng. - Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng; Tước Bằng lái xe từ 1 - 3 tháng. Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 2 - 4 tháng. - Đối với xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện: Phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng. |