Tin tức trong ngày 31/1: Vắc xin Covid-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam
Vắc xin Covid-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin phòng Covid-19 của Astra Zeneca cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch. Đây là vắc xin Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Astra Zeneca đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều trong năm 2021, đồng thời, Bộ Y tế vẫn tiếp tục làm việc với các đối tác để có thể tăng thêm số lượng vắc xin trong nước. Dự kiến, trong quý I năm nay, vắc xin của Astra Zeneca sẽ có mặt tại Việt Nam và được tiêm cho người dân. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chủ động, tích cực đàm phán với Pfizer, Moderna và một số nhà sản xuất vắc xin khác để có thêm vắc xin cho Việt Nam.
Đối với vắc xin trong nước, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ, sát sao và yêu cầu các đơn vị chủ động, khẩn trương triển khai việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và tiến hành sản xuất để sớm có vắc xin phục vụ người dân.
Hiện vắc xin Nanocovax do Công ty Nanogen sản xuất đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 ngay trong đầu tháng 2/2021.
Ngoài ra, vắc xin Covivax của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) đã được khởi động thử nghiệm giai đoạn 1 ngày 21/1/2021 và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 2/2021 để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 trong tháng 3/2021.
Vắc xin Covid-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam |
Tạm dừng tất cả các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người
Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 416/BNV-TGCP về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng.
Công văn nêu rõ, thời điểm này chuẩn bị đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo sẽ diễn ra nhiều lễ hội đầu xuân có đông tín đồ, Nhân dân tham dự. Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) đề nghị các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng thực hiện nghiêm một số nội dung.
Đối với cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương và thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 21 ngày, kể từ 12h ngày 28/1/2021. Tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo chỉ ra khỏi nhà, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo khi thật cần thiết (như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu) và các trường hợp khẩn cấp khác; Giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc, trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Tạm dừng tất cả các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và người dân thực hiện việc đeo khẩu trang bắt buộc tại các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng.
Đối với cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tại các tỉnh, thành phố khác, thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế và quyết định của chính quyền địa phương. Yêu cầu chức sắc, chức việc, tín đồ chủ động, tự giác thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) trong phòng, chống dịch bệnh. Chức sắc, chức việc, tín đồ đề cao cảnh giác, không tuyên truyền, phổ biến các thông tin tiêu cực, không đúng về tình hình dịch bệnh, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Hà Nội chuẩn bị tổng điều tra kinh tế năm 2021
Ban Chỉ đạo tổng điều tra kinh tế và điều tra hành chính thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐTP về tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn.
Theo đó, cuộc tổng điều tra nhằm thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, sự nghiệp; đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô, lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất, kinh doanh; Tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); Cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội...
Đối tượng điều tra gồm các đơn vị kinh tế (cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở sự nghiệp, hiệp hội; Tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng)… Các nhóm thông tin được thu thập theo 22 loại phiếu điều tra, qua hình thức trực tuyến (sử dụng trang web) hoặc phỏng vấn trực tiếp.
Thời điểm thực hiện điều tra từ ngày 1/3/2021 đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội và từ ngày 1/7/2021 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo.
Số liệu sơ bộ của tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 12/2021; kết quả chính thức sẽ công bố vào tháng 2/2022.