Tin tức trong ngày 7/3: Tiêm vắc xin đợt đầu cho 900 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM
Tập huấn đối với tất cả các đơn vị tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên toàn quốc Hướng dẫn về bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 |
Tiêm vắc xin đợt đầu cho 900 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM
Bộ Y tế đã quyết định tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày 8/3.
Đây là những nhân viên y tế đầu tiên của khu vực phía Nam được ưu tiên tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa Covid-19.
900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ sẽ được tiêm vắc xin đợt đầu tiên.
Vắc xin AstraZeneca sẽ được tiêm đợt đầu cho các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM |
Cụ thể có 7 đối tượng của bệnh viện được lựa chọn tiêm vắc xin gồm nhân viên y tế của Khoa Nhiễm D; Khoa Cấp cứu; Khoa Khám bệnh; Phòng Công tác xã hội; Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử; Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng Ban Giám đốc bệnh viện.
Thời gian tiêm được chia theo hai ca, buổi sáng và buổi chiều ngày 8/3.
Sở dĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên được lựa chọn tiêm vắc xin phòng Covid-19 bởi nơi đây thường xuyên thực hiện việc tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm cho người dân; Do đó việc tổ chức tiêm vắc xin tại đây rất phù hợp khi có đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm, có các phác đồ chống sốc, cùng các trang thiết bị để hồi sức.
Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai không được tăng giá khám chữa bệnh
Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Bệnh viện (BV) Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám chữa bệnh tại BV, kể cả các dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu cho đến khi Bộ Y tế ban hành khung giá KCB (bao gồm giá KCB theo yêu cầu).
Cụ thể: Bộ Y tế cho biết, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, về công tác điều hành giá năm 2021.
Trong đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế…
Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng và mức độ điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Bộ Y yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám chữa bệnh, kể cả các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu |
Theo qui định tại điểm c khoản 3 Điều 19 của Luật giá năm 2012 thì giá dịch vụ KCB tại cơ sở KCB của nhà nước là dịch vụ do Nhà nước quản lý giá (bao gồm giá KCB theo yêu cầu và giá KCB BHYT).
Theo qui định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/05/2019 của Chính phủ về Thí điểm tự chủ của 4 BV thuộc Bộ Y tế thì giá KCB tại cơ sở KCB của nhà nước phải áp dụng theo giá, khung giá do Bộ Y tế ban hành.
Do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, tác động không nhỏ đến đời sống của người dân nên Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư qui định khung giá dịch vụ KCB theo yêu cầu đối với các cơ sở y tế công lập, chưa có báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến về việc điều chỉnh giá dịch vụ trong năm 2021 (kể cả giá dịch vụ KCB theo yêu cầu, giá dịch vụ KCB BHYT).
Do đó, Bộ Y yêu cầu BV Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá các dịch vụ KCB tại BV, kể cả các dịch vụ KCB theo yêu cầu cho đến khi Bộ Y tế ban hành khung giá KCB (bao gồm giá KCB theo yêu cầu).
Từ ngày 8/3, không thực hiện giãn cách hành khách trên các phương tiện công cộng
Ngày 6/3, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải, khai thác bến xe và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn TP khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, đối với hoạt động vận tải nội tỉnh (các tuyến vận tải hành khách (VTHK) cố định nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt trên địa bàn TP) từ 0 giờ ngày 8/3 không thực hiện việc giãn cách hành khách trên các phương tiện VTHK công cộng trong hoạt động vận tải nội tỉnh.
Từ 0 giờ ngày 8/3,Hà Nội không thực hiện giãn cách hành khách trên các phương tiện công cộng |
Tiếp tục công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải. Trong đó, quán triệt thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế và thực hiện nghiêm biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh trong hoạt động vận tải (thực hiện tốt "thông điệp 5K" - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế).
Các doanh nghiệp vận tải, chủ, người điều khiển phương tiện vận tải phải yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hành khách phải thực hiện đeo khẩu trang đúng cách trong suốt thời gian di chuyển.
Trên phương tiện phải có dung dịch sát khuẩn tay (ít nhất 60% nồng độ cồn), dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy; Thực hiện việc khử khuẩn các bề mặt phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi; Vận động hành khách có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezone; với các đơn vị vận tải và các bến xe thực hiện khai báo y tế bằng mã QR Code theo hướng dẫn.