Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP HCM đã được kiểm soát tốt
Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế, về phía UBND TP HCM có đồng chí Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP cùng nhiều đồng chí lãnh đạo UBND TP, các sở ban, ngành đoàn thể, quận huyện liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao nỗ lực của TP HCM trong việc xử lý phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Đồng thời, ông tán thành việc hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng bộ TP HCM là phát triển TP HCM thành một trung tâm y tế đứng đầu khu vực.
Tại buổi làm việc, nhận xét về về công tác y tế của TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, TP HCM là đầu tầu kinh tế của cả nước. Trong năm vừa qua, TP HCM cũng là đơn vị đầu tầu về y tế.
Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh |
"Chúng tôi rất xúc động khi chứng kiến sự xuất hiện của cặp song sinh được mổ tách rời Trúc Nhi - Diệu Nhi tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc ngày hôm qua. Rất mong đến năm 2020, ngành y tế Việt Nam lọt vào top 2 của ASEAN và top 30 của thế giới" - Thứ trưởng nói.
Báo cáo về hoạt động y tế TP Hồ Chí Minh, GS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, Thành phố có 125 bệnh viện và 38.712 giường bệnh, đạt tỷ lệ 42,8 giường bệnh/1 vạn dân; 12 bệnh viện thuộc bộ ngành; 32 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc ngành y tế thành phố; có 2 bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế là Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố và bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2; 23 đơn vị y tế quận, huyện.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tại Việt Nam, kể từ khi ghi nhận ca bệnh Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020, đến nay đã có 1.381 trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện. Trong các giai đoạn ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực và khẩn trương triển khai nhiều hoạt động, biện pháp phòng chống dịch bệnh đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình.
Tính đến hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh có 143 ca phát hiện tại địa bàn và 1 ca chuyển viện từ Bệnh viện Bạc Liêu (BN278), 114 trường hợp điều trị khỏi, 29 bệnh nhân đang điều trị (28 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố). Hiện tại, tất cả các bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng.
Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai và luôn sẵn sàng kịch bản ứng phó trong các tình huống dịch bệnh như xây dựng quy trình, công cụ và lực lượng điều tra, truy vết, xử lý dập dịch; thiết lập hệ thống 5 bệnh viện chuyên trách điều trị Covid-19 với đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực chuyên môn, đồng thời vẫn sẵn sàng huy động tất cả khu cách ly của các bệnh viện trên địa bàn thành phố để thu dung điều trị người nhiễm Covid-19 khi dịch lan rộng; tăng cường năng lực thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
Qua đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm soát hiệu quả các đợt bùng phát dịch bệnh trong thời gian qua, nhanh chóng khống chế, dập tắt những ổ dịch trong cộng đồng, điều trị hiệu quả tất cả các trường hợp mắc bệnh phát hiện trên địa bàn thành phố.
Tham dự cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM cảm ơn Bộ trưởng Bộ Y tế, các lãnh đạo Vụ, Cục của Bộ Y tế đã sắp xếp thời gian làm việc với UBND TP HCM. Theo ông Phong, ông được biết đây là một trong những buổi làm việc đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng của ông Nguyễn Thanh Long tại TP HCM.
Chủ tịch TP HCM cho biết sẽ tiếp thu và triển khai thực hiện những ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế trong thời gian tới như HIV, một số vấn đề khác sẽ tiếp thu và cụ thể hóa. Theo Chủ tịch UBND TP HCM, trong văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI có nêu vấn đề xây dựng TP HCM trở thành một trung tâm y khoa của khu vực Đông Nam Á.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, theo số liệu của Cục Thống kê, dân số TP HCM là gần 9 triệu người. Tuy nhiên, con số thực tế người dân sinh sống tại thành phố lên đến 13 triệu người.
Ông đề xuất với Bộ Y tế xem xét lại việc giao dự toán chi bảo hiểm y tế (BHYT) cho các tỉnh thành có tỷ lệ người bệnh, nhất là bệnh nặng, chi phí cao đến từ các tỉnh. Nhất là đến năm 2021 sẽ thực hiện chính sách liên thông tuyến tỉnh sẽ tạo áp lực cho các tỉnh có tỷ lệ thẻ BHYT từ tỉnh khác tới khám chữa bệnh cao như TP HCM.
Hiện nay tại TP.HCM, 50% bệnh nhân đến khám chữa bệnh là ở các tỉnh thành khác đến. Các bệnh viện có xu hướng từ chối bệnh nhân, giới thiệu qua bệnh viện khác.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các cục, vụ, bệnh viện đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảm ơn Chủ tịch UBND TP HCM đã hết sức quan tâm đến ngành y tế.
Bộ trưởng đánh giá TP HCM là một trong những địa phương đầu tầu phát triển y tế mạnh mẽ. Trong thời gian qua, UBND TP HCM luôn quan tâm chỉ đạo, ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, cơ chế để thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, điều quan trọng nhất ở TP HCM là có rất nhiều bệnh viện của thành phố là tuyến cuối của Bộ Y tế. Điều đó khiến cho chất lượng khám, chữa bệnh của TP.HCM rất cao. Trường hợp mổ tách ca Song Nhi (Trúc Nhi - Diệu Nhi) ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là thành tựu của ngành y tế TP HCM nhưng cũng là thành tựu chung của ngành y tế cả nước.
Cũng theo Bộ trưởng, chưa bao giờ ngành y tế lại có vị thế, vai trò và niềm tin đối với nhân dân cao như hiện tại. Do vậy, ngành y tế phải làm sao phục vụ cho người dân được tốt hơn.
Người đứng đầu Bộ Y tế đánh giá cao TP HCM trong việc xử lý dịch bệnh Covid-19 vừa qua, đặc biệt trong việc xử lý phòng tránh lây nhiễm hiệu quả. Đến thời điểm hiện nay, chúng ta có thể nói đã kiểm soát được lây nhiễm Covid-19 của thành phố.
Theo Bộ trưởng, trong phiên họp của Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã có kết luận TP HCM không phải là ổ dịch, cho nên việc tiến hành công tác cách ly hay xét nghiệm của người dân thành phố khi đi ra các địa phương khác là không cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin rằng, giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, ông thường xuyên trao đổi với lãnh đạo UBND TP HCM trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Mối quan hệ trao đổi thường xuyên giữa trung ương và địa phương rất là tốt. Tuy nhiên, TP HCM vẫn cần rút ra bài học trong vấn đề cách ly, đặc biệt là bài học trong xét nghiệm, cần phải tăng tốc trong xét nghiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long mong muốn, thời gian tới TP HCM tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19, làm thế nào để TP HCM vừa phát triển được kinh tế, xã hội lại phòng chống được dịch tốt, hiệu quả đúng như mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra.
Một vấn đề quan trọng khác được Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại buổi làm việc, đó là Bộ Y tế hoàn toàn tán đồng với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đó là hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố là phát triển TP HCM thành một trung tâm y tế đứng đầu khu vực.
Bởi vì, Bộ trưởng thấy rằng TP HCM có năng lượng và sự bứt phá, về nhân lực không hề có sự thua kém các nước khác. Vấn đề đặt ra là cơ chế đầu tư, hoạt động làm sao đạt được sự bứt phá và giải phóng năng lượng.
Cùng đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế sẽ cùng UBND TP HCM hiện thực hóa TP HCM trở thành trung tâm y tế hàng đầu khu vực về chăm sóc sức khỏe.
"Để hiện thực hóa được điều này, chúng ta phải mạnh dạn rời bỏ những cơ chế ràng buộc. Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát lại tất cả những quyết định liên quan để tạo ra cơ chế thông thoáng nhất cho thành phố", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Y tế mong muốn TP HCM có một phức hợp y tế, đó có thể là Thành phố Thủ Đức, trong đó có các trường đại học, các bệnh viện lớn của Trung ương, các bệnh viện địa phương. Như vậy, chúng ta mới có thể đi đầu về y tế trong khu vực.
Bộ trưởng cũng tán đồng với Chủ tịch UBND TP HCM về ý kiến xây dựng đề án phát triển y tế cộng đồng và y tế thông minh, thúc đẩy nhanh phát triển khu công nghiệp dược và trang thiết bị cao để phục vụ người dân tốt hơn.