Tọa đàm trực tuyến về “Đảm bảo ATTP bữa ăn bán trú trong trường học trên địa bàn Hà Nội”
Ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại buổi Tọa đàm trực tuyến.
Phát biểu khai mạc tại buổi Tọa đàm, ông Lại Bá Hà - Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết: Buổi Tọa đàm là chương trình phối hợp giữa báo Kinh tế & Đô thị và Sở Y tế Hà Nội nhằm tuyên truyền đảm bảo ATTP trường học. Trong những năm vừa qua, việc tuyên truyền ATTP và công tác đảm bảo ATTP trong trường học được báo Kinh tế & Đô thị phối hợp các cơ quan chức năng luôn được quan tâm.
Tuần trước vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Mầm non Xuân Nộn, huyện Đông Anh, đây là vụ việc nóng được dư luận quan tâm. Chính quyền các cấp từ TP đến huyện và các cơ quan chuyên môn đã vào cuộc xử lý quyết liệt. Việc đảm bảo ATTP tại các bếp ăn trường học là việc khó đối với mỗi địa phương, đặc biệt với Hà Nội - địa phương có số lượng học sinh đứng tốp đầu cả nước.
"Tôi hy vọng đây là diễn đàn để các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ về công tác đảm bảo ATTP tại các trường học. Đồng thời, cũng để lắng nghe ý kiến những người làm trong ngành giáo dục, y tế về khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. Qua đó, làm sao tuyên truyền để người dân hiểu và chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện việc đảm bảo an toàn bếp ăn trong trường học hiện nay" - ông Lại Bá Hà nói.
Ông Lại Bá Hà - Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu mở đầu buổi Tọa đàm trực tuyến. |
Hà Nội hiện nay quản lý trên 66.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 2.793 trường học có bếp ăn bán trú. Như vậy, số học sinh sử dụng bữa ăn tại trường là rất lớn. Trong những năm qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm các bếp ăn tập thể trường học đã được chú trọng, quan tâm đặc biệt.
Ông Kiều Cao Trinh, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội) chia sẻ, hằng ngày, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố phục vụ trung bình là trên 800.000 học sinh ăn bán trú từ 1 - 4 bữa trong ngày, tùy theo từng trường.
Hầu hết các bếp ăn tập thể trường học đều đã đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm như: Thủ tục pháp lý, điều kiện cơ sở, dụng cụ chứa đựng, thực hành vệ sinh của người trực tiếp chế biến thức ăn, thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, công tác kiểm tra, thanh tra, phối hợp giữa các ngành chức năng chưa được chặt chẽ. Thời gian qua đã xảy ra 1 số vụ ngộ độc thực phẩm mà điển hình là vụ việc tại trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) khiến hơn 200 trẻ phải nhập viện.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời gian tới, công tác quản lý bếp ăn tập thể các trường học phải được tăng cường.
Cụ thể, Sở Y tế sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm các cấp, đẩy mạnh nâng cao công tác truyền thông, đồng thời quy trách nhiệm cho ban giám hiệu nhà trường, trách nhiệm của các doanh nghiệp, các nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm trong các bếp ăn trường học.
Bên cạnh đó, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bếp ăn trường học. Việc thanh tra, kiểm tra sẽ có sự phối hợp với ban phụ huynh.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú trong trường học trên địa bàn Hà Nội, rất cần có sự vào cuộc và trách nhiệm của Ban giám hiệu các nhà trường, thầy, cô giáo, nhân viên, cha mẹ học sinh, người sản xuất, chế biến, kinh doanh về an toàn thực phẩm.
Cùng với đó là sự phối hợp giữa nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ học sinh để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể ngày càng chặt chẽ. Mặt khác, phải công khai thực đơn, nguồn gốc thực phẩm trên website hoặc cổng thông tin điện tử của trường, công khai các đơn vị được lựa chọn cung ứng thực phẩm.