Toàn cảnh nước Anh rời Liên minh châu Âu
Bài liên quan
Trải nghiệm không khí lễ hội Anh giữa lòng Hà Nội
Tác động của Brexit: London mất thêm nhiều việc làm trong ngành tài chính
Brexit là gì?
Brexit là từ viết tắt chỉ việc Vương quốc Anh (Britain) rời khỏi EU (Exit), tương tự như Grexit được dùng để nói về khả năng Hy Lạp rời khỏi EU trước đây. Ở nước Anh, những người bỏ phiếu rời khỏi EU sẽ thuộc phe Brexit và số còn lại thuộc về phe đồng tình (Remain).
Ngày 23/6/2016, Anh đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu. Đối tượng được quyền bỏ phiếu là các công dân Anh, Ireland và công dân các nước thuộc khối Thịnh vượng chung, đủ 18 tuổi trở lên hiện đang thường trú tại Anh; công dân Anh sống ở nước ngoài có đăng ký bầu cử tại Anh trong vòng 15 năm qua. Công dân từ các nước EU, trừ Ireland, Malta và Cyprus, không được phép bỏ phiếu. Theo thống kê, có khoảng 46,5 triệu cử tri ghi danh, 72 % cử tri tham gia bỏ phiếu. Kết quả, 51,8% cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit, 48,1% cử tri bỏ phiếu Anh ở lại Liên minh châu Âu. Như vậy với kết quả này, Anh là quốc gia đầu tiên rút lui khỏi Liên minh EU sau 40 năm là thành viên chính thức.
Người dân Anh muốn rời EU
Có khá nhiều lý do để người dân Anh ủng hộ Brexit. Chính sách nhập cư được cho là một trong những nguyên nhân chính. Theo đó, người dân các nước thành viên EU được quyền đi lại, làm việc và sinh sống tại các nước thành viên khác. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến khu vực đồng tiền chung Eurozone gặp khó khăn về kinh tế; công nhân từ các nước EU khác như Ireland, Italy, Lithuania... đã đổ xô đến Anh tìm việc làm. Thị trường lao động được đánh giá cởi mở, ngôn ngữ tiếng Anh phổ biến nên không khó hiểu khi xứ sở sương mù trở thành quốc gia vô cùng thu hút người nhập cư. Theo thống kê, năm 2015, Vương quốc Anh ghi nhận có hơn 300.000 người di cư từ EU đến. Nguồn nhập cư này làm giảm khối lượng việc làm, tiền lương của người dân địa phương cũng như đặt gánh nặng lên các dịch vụ công. Do đó, ủng hộ Brexit được hy vọng sẽ hạn chế tình trạng này.
51,8% người dân Anh ủng hộ rời Liên minh Châu Âu. Ảnh: Reuters |
EU không thu thuế trực tiếp nhưng liên minh này yêu cầu các nước thành viên đóng góp một khoản tiền cho ngân sách trung ương chung hàng năm. Vương quốc Anh vốn là nước đóng góp ngân sách nhiều thứ hai trong EU. Điều đó có nghĩa nếu Anh rời EU thì sẽ giữ lại nhiều tiền thuế hơn để chi cho các dịch vụ công và phúc lợi xã hội.
Những người ủng hộ Brexit cũng cho rằng nếu rời Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh sẽ có quyền tự chủ hơn. Họ hy vọng sẽ kiểm soát nhiều hơn các chính sách, luật và quy định của quốc gia họ. Theo thống kê, 50% văn bản luật của Anh hiện nay có tác động kinh tế quan trọng lại bắt nguồn từ luật của EU. Một số văn bản luật được thông qua và ban hành tại Anh vì đã được thông qua ở EU. Nhiều quyết định của EU được thực hiện theo nguyên tắc biểu quyết theo số đông. Điều đó đồng nghĩa nhiều nước châu Âu sẽ buộc phải thực hiện các chính sách mà họ không đồng ý.
Ngoài ra, Vương quốc Anh đang phải chịu nhiều quy định của EU khiến dân chúng nước này cảm thấy không thoải mái. Nhiều quy định khá buồn cười được EU áp lên các nước thành viên như: Không được tái chế túi trà, trẻ em dưới 8 tuổi không được thổi bóng bay hay những hạn chế về công suất của máy hút bụi. Theo quy định của EU, nếu muốn vứt bỏ tủ lạnh phải xử lý an toàn dàn nóng của tủ lạnh tại các cơ sở được phê duyệt. Điều này đã làm phát sinh một ngành công nghiệp mới tại Anh, đó là ngành xử lý tủ lạnh cũ. Trước khi có quy định của EU, người Anh muốn bỏ tủ lạnh cũ chỉ cần mang ra bãi rác. Chính sách thủy sản của EU còn quy định cấp hạn ngạch đánh bắt cho ngư dân của mỗi nước thành viên. Điều đó khiến giá cá tăng cao và ngư dân phải đổ hàng triệu con cá đã đánh được xuống biển nếu quá mức hạn ngạch đánh bắt.
Hệ quả kinh tế sau Brexit
Theo các chuyên gia, tiến trình Brexit sẽ có những tác động nhất định tới nền kinh tế nước này. Brexit có thể sẽ gây ra sự bất ổn lên thị trường tài chính, đầu tư và giá trị đồng bảng Anh. Hoạt động thương mại của Anh có thể sẽ rơi vào tình trạng mất ổn định, do nước này cần phải đàm phán lại từng thỏa thuận với hơn 50 nước đang có các thỏa thuận thương mại với EU. Bên cạnh đó, các lĩnh vực chế tạo ôtô, nông nghiệp và dịch vụ tài chính cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 25/11/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ông Jacob Funk Kirkegaard, một nhà kinh tế tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho biết: “Hiện tại, Nissan hay một số nhà sản xuất xe hơi khác có cơ sở sản xuất chính tại Anh có thể bán sản phẩm khắp thị trường EU nhờ việc có cùng tiêu chuẩn an toàn và tiêu chuẩn về môi trường với EU. Tuy nhiên, nếu Anh rời EU, những công ty này sẽ không thể bán sản phẩm vào thị trường đó được nữa. Họ không những sẽ phải trả thuế quan mà còn phải đáp ứng một loạt các tiêu chuẩn an toàn khác nữa”.
Chính phủ Anh ước tính, khi rời EU, nền kinh tế nước này sẽ bị giảm từ 3,8 đến 7,5% cho đến năm 2030. Điều này tùy thuộc vào những đàm phán về cách thức Anh tiếp cận thị trường châu Âu sau này. Còn theo báo cáo của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), người dân Anh sẽ nghèo đi nếu quốc gia này rời khỏi EU. Tính đến năm 2020, mỗi người lao động ở Anh sẽ chịu tổng thiệt hại bằng một tháng lương hiện tại (3.200 USD). Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm 3,3% vào năm 2020 và giảm 5,1% vào năm 2030. Những tác động từ bất ổn kinh tế, thuế tăng, việc giảm lao động di cư vì mục đích kinh tế và những biến động đối với đồng bảng là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này.
Hiện tại, sau khi được EU thông qua, thỏa thuận Brexit cần được Nghị viện châu Âu và Nghị viện Anh phê chuẩn. Các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ không có khó khăn nào từ phía Nghị viện châu Âu nhưng cuộc chiến tại Nghị viện Anh sẽ thực sự là thách thức lớn với nữ Thủ tướng Theresa May. Nếu quá trình này thuận lợi, Vương quốc Anh sẽ chính thức rút khỏi EU vào ngày 29/3/2019.