TP HCM công bố đường dây nóng nhận phản ánh đầu cơ, tăng giá thu lợi bất chính
Hà Nội: Cao điểm kiểm tra vi phạm về giá, đầu cơ mặt hàng chống Covid-19 Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống dịch Covid-19 |
Cục Quản lý thị trường TP HCM (Tổng cục Quản lý thị trường) vừa có văn bản thông tin đường dây nóng của Cục và Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại TP HCM để người dân kịp thời phản ánh hành vi thu lợi bất chính trong dịch bệnh Covid-19.
Công văn nêu rõ, trong những ngày qua tình hình thị trường có phát sinh tình trạng một số cá nhân mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hoặc mua hàng nông sản của thương lái các tỉnh, mua lại tiểu thương của chợ đầu mối sau đó bán tại lề đường, đầu hẻm, tuyến phố gần chợ truyền thống, khu dân cư với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn thành phố, gây bức xúc trong Nhân dân và vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch.
Đặc biệt, các hành vi vi phạm không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ công cộng.
Ảnh minh họa |
Vì vậy, để ngăn chặn tình hình nêu trên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, Cục Quản lý thị trường TP HCM yêu cầu các Đội Quản lý thị trường chủ động và phối hợp lực lượng chức năng làm việc ngay Ban Quản lý các trung tâm thương mại, siêu thị, người quản lý cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đang hoạt động, về tình hình nêu trên để phối hợp ngăn chặn và xử lý.
Đồng thời, các Đội Quản lý thị trường cũng phải thông tin, niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường TP HCM tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và một số điểm công cộng để kịp thời tiếp nhận thông tin, xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, các Đội Quản lý thị trường chủ động phối hợp ngay với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng để tuyên truyền, vận động người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; vận động doanh nghiệp và người buôn bán không tăng giá bất hợp lý; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch nêu trên.
Hiện nay, hầu hết các Cục Quản lý thị trường ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội đều công bố số điện thoại của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường quản lý địa bàn để người dân báo thông tin về tình hình thị trường, phản ánh các thông tin vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
Các Đội Quản lý thị trường ra quân phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền các đối tượng kinh doanh chấp hành các quy định về chống đầu cơ, tăng giá quá mức đối với thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong ngày 14/7 tại TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam nguồn cung hàng hóa dồi dào, không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa.
Trước đó, ngày 12/7, người dân TP HCM đổ xô đến siêu thị, cửa hàng mua nhiều loại thực phẩm tươi sống, dẫn đến tình trạng quá tải, nhiều nơi phải phát phiếu hẹn cho người dân đến mua hàng. Tuy nhiên, sáng 14/7 có rất đông người dân đến để nhận phiếu hẹn mua hàng hoặc để xếp hàng chờ vào siêu thị (đối với siêu thị không phát phiếu hẹn).
Trong ngày, Sở Công thương TP HCM đã cho phép một số chợ truyền thống đang bị phong toả bán lại các hàng rau, củ, quả, thịt. Ghi nhận của lực lượng Quản lý thị trường cho biết, trên địa bàn thành phố đang xảy ra hiện tượng mua hàng số lượng nhiều, nhất là trứng từ siêu thị rồi đưa ra ngoài bán lại.