TP Hồ Chí Minh chỉ đạo khẩn về tăng cường phòng chống bệnh cúm A/H5N1
Các dấu hiệu, triệu chứng và cách phòng bệnh cúm A Quảng Ninh: Không chủ quan, lơ là trước dịch cúm A Việt Nam xuất hiện ca mắc bệnh cúm A/H5 trên người sau hơn 8 năm |
Sở Y tế là chủ chốt
Theo văn bản số 639/UBND-VX ban hành ngày 25/2, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do virus H5N1 tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ từ vùng dịch, kịp thời xác định nguyên nhân gây bệnh.
Tăng cường giám sát những người nhập cảnh đi, đến từ vùng dịch cúm A và phối hợp với bộ phận kiểm dịch động vật trong giám sát gia cầm, thuỷ cầm qua cửa khẩu vào Việt Nam; Giám sát các ca bệnh chưa rõ nguyên nhân trong cộng đồng để từ đó nhanh chóng khoanh vùng, xử lý, tránh lây lan diện rộng.
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị và người dân không được chủ quan với dịch cúm A/H5N1 (ảnh minh hoạ) |
Bên cạnh đó, Sở Y tế phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông cho người dân về các biện pháp phát hiện, phòng, chống bệnh cúm gia cầm như: Không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang…
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… để phục vụ công tác tiếp nhận, cách ly và điều trị các ca bệnh hoặc các ca nghi bệnh cúm A/H5N1, hạn chế tối đa tình trạng trở nặng và tử vong.
Cùng với đó, Sở phải tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế để tăng cường chuyên môn về khám, chữa bệnh cúm A/H5N1, hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng chống lây nhiễm bệnh ở người.
UBND TP cũng đề nghị Sở Y tế phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát, phát hiện và xử lý các ổ dịch gia cầm theo quy định; Phối hợp với cơ quan chuyên ngành thú y trong việc giám sát, phát hiện, cách ly các trường hợp có nghi ngờ bệnh và các chủng virus mới xuất hiện.
Các Sở, ngành khác cùng “xắn tay”
Bên cạnh Sở Y tế, UBND thành phố cũng phân chia nhiệm vụ rõ ràng cho các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp cùng nhau trong công tác phòng chống dịch bệnh cúm A/H5N1.
Các cơ sở chăn nuôi gia cầm phải thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn, phòng chống dịch bệnh ở động vật (Ảnh minh hoạ) |
Cụ thể, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh; Dựa vào tình hình thực tế để có báo cáo, tham mưu kịp thời về UBND để tìm giải pháp xử lý.
Sở hướng dẫn các quận, huyện chăn nuôi gia cầm nghiêm nhặt, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi cũng như công tác chuồng trại; Chủ động xây dựng các kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm động vật, kịp thời phát hiện và tiêu huỷ các đàn gia cầm mắc bệnh, nghi bệnh…
Ngành Nông nghiệp tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch, thực hiện tiêu độc, sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào TP theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với Sở Thông tin và Truyền thông phải chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành kịp thời truyền thông về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch ở người và động vật đến cộng đồng; Khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm gia cầm an toàn, đạt chuẩn.
Sở Giao thông Vận tải có nhiệm vụ chỉ đạo các công ty, hợp tác xã vận tải không vận chuyển gia cầm, sản phẩm không rõ nguồn gốc, không vận chuyển hàng khách cùng gia cầm, sản phẩm gia cầm; Ngoài ra, niêm yết số điện thoại nóng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh để hành khách kịp thời trình báo khi xảy ra vụ việc.
Cục Quản lý thị trường TP chủ trì các đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng chống dịch bệnh.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm có trách nhiệm chỉ đạo các đội thanh tra kiểm tra nguồn gốc sản phẩm gia cầm tại các chợ, siêu thị, kho đông lạnh, cơ sở kinh doanh… trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh còn đề nghị Công an TP chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; Xử lý các điểm kinh doanh, giết mổ không đúng quy định.
Theo WHO, Việt Nam là một trong những quốc gia ghi nhận có người mắc và tử vong do cúm H5N1 trong 20 năm qua (2003 - 2023) |
UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cùng vào cuộc
Theo văn bản chỉ đạo của UBND TP, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường phổ biến đến người chăn nuôi hiểu rõ về tác hại của dịch bệnh để từ đó người dân tuân thủ các quy định về an toàn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các địa phương vận động người dân chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định, trong đó tập trung tại các khu dân cư, các điểm kinh doanh gia cầm, khuyến cáo họ sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc, đã qua kiểm định.
UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức quản lý nghiêm, các đoàn liên ngành giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn, hướng dẫn chủ trại kê khai hoạt động, thực hiện tiêm phòng cho động vật, giám sát dịch bệnh định kỳ…; Chỉ đạo Ban Quản lý chợ chủ động kiểm tra, phát hiện xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn.