TP Hồ Chí Minh: “Phá băng” loạt công trình giao thông trọng điểm
TP Hồ Chí Minh: Cầu Long Kiểng thông xe sau 23 năm phê duyệt TP Hồ Chí Minh thông xe cầu Vàm Sát 2 |
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, loạt công trình giao thông “trùm mền” trên địa bàn sắp được khởi công trở lại sau khi được địa phương bàn giao mặt bằng.
Cụ thể, cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát được khởi công xây dựng vào năm 2017 và dự kiến hoàn thành sau 6 tháng thi công với tổng mức đầu tư khoảng 312 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, dự án liên tục chậm tiến độ và trở thành dự án “treo” từ cuối năm 2018, trong khi một số hạng mục như phần dầm cầu, mố cầu gần như đã hoàn thiện.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) rào tôn, "im lìm" trong nhiều năm |
Hiện tại, sau khi được HĐND TP Hồ Chí Minh chấp thuận kế hoạch hoàn thiện dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý với mức đầu tư hơn 491 tỷ đồng, UBND thành phố đã giao các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thanh toán cho chủ đầu tư.
Dự kiến, thành phố sẽ giải phóng mặt bằng toàn bộ phần còn lại để thi công hoàn thành cầu Tân Kỳ Tân Quý vào năm 2025.
Nhiều năm qua, người dân khu vực phải di chuyển qua đây bằng 2 cây cầu sắt tạm |
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại công trình được vây rào tôn, bên trong vắng bóng công nhân, cỏ mọc um tùm, vật liệu xây dựng ngổn ngang, chất đống.
Anh Dương Công Hưng (36 tuổi), một người dân sinh sống gần cầu Tân Kỳ - Tân Quý cho biết, đây là cây cầu nối giữa Quốc lộ 1A và đường Tân Kỳ Tân Quý nên thường đông xe, đặc biệt vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc.
“Giờ tan sở là các xe chen chúc nhau trên đoạn đường dẫn lên cầu. Sau khi lên được tới chân cầu, việc di chuyển mới bởi khó khăn bởi được tách ra làm 2 làn xe riêng biệt. Ngoài ra việc cây cầu tạm gánh quá nhiều xe qua lại hàng ngày cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn”, anh Hưng chia sẻ.
Chị Kim Giang (32 tuổi), một người dân khác gần đó kể thêm: “Mỗi khi trời mưa là chỗ cầu sắt khá trơn, nếu đi không cẩn thận là té liền. Mưa lớn quá là cũng ngập nữa”.
Khu vực cầu tạm Tân Kỳ Tân Quý |
Với đầu tư ban đầu khoảng 374 tỷ đồng, cầu Bà Hom nằm trên đường Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) cũng sắp được "giải cứu" sau khoảng 5 năm “đóng băng” (từ cuối 2018) do vướng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật.
Được biết, hiện tại các đơn vị đang khẩn trương giải quyết những vướng mắc để tái khởi động công trình trong thời gian sớm nhất.
Cầu Bà Hom (quận Bình Tân) "đóng băng" nhiều năm liền vì vướng mặt bằng |
Chân cầu Bà Hom trở thành nơi tập kết xe rác, chợ tạm |
Còn tại TP Thủ Đức, dự án cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai cũng dừng thi công trong suốt nhiều năm qua, trở thành gánh nặng giao thông tại khu vực này.
Khởi công từ tháng 12/2017 rồi tạm dừng khi mới hoàn thành được 30% khối lượng công trình, đến tháng 7/2022, dự án cầu Tăng Long được HĐND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 688 tỷ đồng (tăng 238 tỷ đồng so với ban đầu). Việc tăng tổng mức đầu tư được lý giải do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng.
Cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) dang dở trong thời gian dài |
Gần đó, cầu Ông Nhiêu (nối phường Phú Hữu và Long Trường, TP Thủ Đức) là một trong những dự án trọng điểm của TP Thủ Đức, nằm trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh huyết mạch cũng sắp thi công trở lại.
Dự án mở rộng cầu Ông Nhiêu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 764 tỷ đồng, khởi công từ cuối năm 2017 nhưng đến hiện tại vẫn chưa thể hoàn thành vì chậm bàn giao mặt bằng.
Khung sắt trụ cầu Ông Nhiêu (TP Thủ Đức) nằm trơ trọi giữa lòng sông |
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, dự kiến thời gian ngắn tới sẽ tiếp tục tái thi công cầu Tăng Long và cầu Ông Nhiêu sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan.
Khi biết tin 2 cây cầu lớn của TP Thủ Đức sắp tái khởi động sau nhiều năm "đắp chiếu", nhiều người dân xung quanh tỏ ra rất vui mừng, phấn khởi. Chị Diệu Huyền (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết: “Chị hàng ngày phải vượt qua Rạch Trau Trảu đi làm qua 2 cây cầu sắt tạm xây song song với cầu Tăng Long đang được xây dựng. Mặt cầu tạm nhỏ hẹp nên cứ hễ đến giờ cao điểm là việc ùn tắc giao thông qua đây lại xảy ra”.
Còn anh Hữu Tài (30 tuổi), một tài xế xe tải thường xuyên chở hàng qua cầu Ông Nhiêu cho hay: “Hiện tại lộ giới cầu chỉ khoảng 10m với 2 làn xe ngược chiều, mỗi lúc cao điểm là ôtô và xe máy lại chen chúc nhau trên cầu gây ùn tắc, không đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển hàng hoá qua đây”.
Cạnh dự án cầu Tăng Long trở thành bãi rác dân sinh |
Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã chính thức thông xe cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) và cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ). Đây đều là 2 dự án giao thông lớn của thành phố, bị tạm dừng nhiều năm vì vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, sau khi giải quyết vướng mắc đã nhanh chóng thi công trở lại và hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào phục vụ người dân nhanh chóng.