Trà Vinh có thể trở thành trung tâm giao thương mới của miền Nam và cả nước
Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng Trà Vinh có thể trở thành trung tâm giao thương mới của miền Nam và cả nước ta.
Bày tỏ vui mừng được gặp nhiều nhà đầu tư thành công có mặt tại hội trường, Thủ tướng cho rằng Biển Đông và sông Cửu Long đã cùng kiến tạo nên Trà Vinh, vùng đất màu mỡ, trù phú; nơi đây là mặt tiền đắt giá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng ra Biển Đông, có vai trò vị trí quan trọng trong tổng thể chiến lược kinh tế biển của cả quốc gia.
“Trà Vinh chúng ta không chỉ nằm ven sông lớn mà còn là một tỉnh duyên hải ngó ra Biển Đông. Có nhiều cảng sông, cảng biển thuận lợi với luồng cho tàu biển trọng tải lớn và những điều kiện trù phú khác mà chúng ta chưa có điều kiện khai thác, xây dựng, phát triển giàu có. Vậy một câu hỏi liệu có thể có kỳ tích sông Tiền, sông Hậu ở Trà Vinh không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng cho rằng Trà Vinh có thể trở thành trung tâm giao thương mới của miền Nam và cả nước ta, là đầu mối chế biến thủy hải sản, một nền nông nghiệp công nghệ cao có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, mạng sản xuất trong nước và quốc tế. Điều này có thể thành hiện thực với các điều kiện cụ thể như Trà Vinh có quy hoạch kết cấu hạ tầng đồng bộ. Sắp tới đây, Chính phủ quyết định làm cầu Đại Ngãi thì việc giao thương tới các tỉnh miền Tây và Cần Thơ rất gần, không phải 1 tiếng rưỡi mà còn khoảng 45-60 phút.
Thủ tướng cũng nhắc tới những tiềm năng khác của Trà Vinh như ngư trường rộng lớn, vùng nước lợ mênh mông, phù hợp nuôi tôm nước lợ giá trị cao. Đặc biệt ở Trà Vinh có nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng lớn, nhất là điện gió, điện mặt trời. Đất đai màu mỡ, tưới tiêu thuận tiện. Khí hậu nhiệt đới ôn hòa, độ ẩm cao, lượng mưa lớn thích hợp trồng nông sản nhiệt đới, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến với sản phẩm chủ lực như lúa gạo, dừa, đậu phộng, mía, trái cây…
Với dân số gần 1,2 triệu người, trong đó 59% trong độ tuổi lao động, người dân Trà Vinh cần cù, năng động, sáng tạo; Đại học Trà Vinh đang ngày càng phát triển cả về lượng và chất, cùng các trường dạy nghề khác, tất cả tạo nên nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào.
Trà Vinh là nơi giao thoa của 3 nền văn hóa, đó là Kinh, Khmer, Hoa và các dân tộc Ấn, Chăm… với phong tục tập quán đa dạng với nhiều lễ hội rất độc đáo. có sức hấp dẫn nhà đầu tư và khách du lịch đến khám phá.
Với những thuận lợi nêu trên Trà Vinh sẽ là nơi đắc địa hấp dẫn đầu tư. Vấn đề then chốt với Trà Vinh là phải làm sao thu hút nhiều nhà đầu tư, làm sao để nhà đầu tư hiểu, nhận thức rõ những tiềm năng, thế mạnh, không những về điều kiện tự nhiên mà cả về văn hóa, lịch sử, tôn giáo ở Trà Vinh.
“Nếu hiểu sâu sắc vùng đất này, biết phát huy lợi thế về nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch, vùng đất này sẽ làm cho quý vị đã giàu rồi càng giàu hơn và giàu bền vững”, Thủ tướng chia sẻ.
Trà Vinh cần xây dựng mô hình liên kết phát triển kinh tế-xã hội bền vững, có tính kiểu mẫu về khả năng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, khai thác tối đa điều kiện thuận lợi, vượt qua khó khăn, chủ động với biến đổi khí hậu để hướng tới nền nông nghiệp, ngư nghiệp giá trị gia tăng cao.
Trà Vinh cần xem xét, quy hoạch lại các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp chế biến thủy hải sản. Điều quan trọng là phải liên kết chuỗi giá trị, phát triển theo tư duy cụm ngành, tạo những thương hiệu gắn với địa phương. Ngoài ra, trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế tư nhân, cần có nhưng ưu tiên trọng tâm, trọng điểm để từ đó xây dựng chiến lược tiếp cận hợp lý.
Xúc tiến đầu tư cần trên cơ sở, định hướng nêu trên. Không đánh đổi môi trường để có nhà đầu tư. Lĩnh vực kinh tế then chốt đối với Trà Vinh là nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là nuôi trồng thủy hải sản, đi vào chế biến sâu. Nuôi tôm siêu thâm canh là hướng đi đột phá, nhưng mô hình này còn ít ở Trà Vinh. Ngoài ra, cần có chiến lược thu hút đầu tư vào du lịch sinh thái, năng lượng sạch bao gồm điện gió, điện mặt trời.
Thủ tướng đề nghị Trà Vinh tăng cường chủ động liên kết vùng, đặc biệt với tỉnh Sóc Trăng và Bến Tre.
Trà Vinh cần khai thác triệt để lợi thế này để áp dụng khoa học-công nghệ trong nuôi trồng, chế biến, tạo nên thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, đất đai còn phân tán, sử dụng chưa hiệu quả. Trà Vinh cần có giải pháp đột phá, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới, có tiềm lực tài chính tích tụ ruộng đất và thực hiện những dự án quy mô lớn, đi lên sản xuất lớn.
Thủ tướng cũng cho rằng, người nông dân muốn thực sự giàu có trên quê hương mình cần có tư duy đột phá. Người nông dân có thể góp sức, góp vốn bằng thửa ruộng của mình để cùng các nhà đầu tư khác tạo nên một doanh nghiệp. Đây là giải pháp để chuyển đổi từ kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún sang kinh tế doanh nghiệp. Nếu làm được như vậy, Trà Vinh sẽ có chuyển biến quan trọng trong giai đoạn tới.
“Nông dân không phải mất đất mà có quyền với mảnh đất của mình nhưng góp vốn, góp sức, cho thuê và những hình thức phù hợp khác theo luật pháp để có mảnh đất rộng hơn, quy mô hơn để phát triển sản xuất hàng hóa”, Thủ tướng nêu rõ. Nhiều địa phương ở Việt Nam đã vận dụng mô hình này thành công như ở Hà Nam, Thái Bình…
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ tiếp tục giữ kinh tế vĩ mô ổn định, giữ môi trường hòa bình. Chính phủ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền tài sản, quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư và mọi công dân theo Hiến pháp và pháp luật. Chính phủ, chính quyền tỉnh Trà Vinh luôn cam kết và hành động nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng.
“Chúng tôi mong muốn lắng nghe, chia sẻ với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn và nếu có bất cập nào, sẽ cùng nhau xử lý. Nếu có thất bại, cùng nhau chia sẻ và thành công là thành quả chung của nhà đầu tư và tỉnh Trà Vinh”, Thủ tướng chia sẻ.