“Tranh dân gian Việt Nam” - cuốn sách đặc sắc tôn vinh văn hóa Việt Nam
![]() |
![]() |
Như chúng ta đã biết, tranh dân gian Việt Nam được làm và bán trong dịp Tết hay các dịp lễ trọng đại, dành cho nghi thức tôn giáo hoặc đơn giản chỉ là thú tiêu khiển trong gia đình. Đây là loại tranh thủ công, tranh dân gian vừa phụ thuộc vào các mẫu tranh thịnh hành nhưng đồng thời cũng để lại dấu ấn sâu sắc do tính độc đáo của những nghệ nhân sáng tạo ra chúng.
Với sự hợp tác của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), cuốn “Tranh dân gian Việt Nam” do tác giả- nhà nghiên cứu Maurice Durand sưu tầm và giới thiệu bộ tranh dân gian với nhiều kiểu tranh đa dạng và các chủ đề về cuộc sống thường nhật, tín ngưỡng, văn học và lịch sử đã được hoàn thành và ra mắt công chúng.
Sinh năm 1914 ở Hà Nội, Maurice Durand là con trai của một nhà Hán học người Pháp và mẹ ông là người Việt quê gốc ở Kiến An. Ông là một trong những nhà nghiên cứu song ngữ hiếm hoi của Viện Viễn Đông Bác cổ sở hữu hai nguồn văn hóa Pháp, Việt và có mối liên hệ mật thiết với chữ Hán.
Ông vừa là nhà sử học, ngữ văn học, nhà phê bình văn học và nhà phân tích mỹ thuật. Trong sự nghiệp của mình, ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ như Điện thần và phương thức hầu đồng ở Việt Nam, Nhập môn văn học Việt Nam, Tri thức về Việt Nam, Lịch sử thời Tây Sơn, Truyện Nôm Việt Nam... và nhiều công trình dịch, hàng trăm bài viết và một số lượng bản thảo đồ sộ chưa từng được xuất bản.
Ấn bản tiếng Việt công trình “Tranh dân gian Việt Nam” của Maurice Durand do Viện Viễn Đông Bác cổ xuất bản lần đầu tiên vào năm 1960. Bộ sưu tập này bao gồm hơn 400 tác phẩm hội họa dân gian kèm theo nghiên cứu, phân tích, bình chú uyên bác, tỉ mỉ và toàn diện của tác giả. Đây là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm trên các phố phường Hà Nội và các vùng lân cận thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
Cuốn sách đặc biệt thú vị khi văn hóa dân gian Việt Nam được nhìn qua lăng kính của một học giả ngoại quốc tài năng vốn là thành viên của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp vào những năm giữa thế kỷ XX. Những quan sát, cảm nhận và bình giải của tác giả vào thời kỳ mà văn hóa truyền thống vẫn còn đậm nét ở Bắc Bộ đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Việc ấn hành cuốn sách mang đến cho độc giả Việt Nam có cơ hội tiếp cận toàn bộ công trình độc nhất vốn không đơn thuần chỉ là một bộ sưu tập tranh này. Đây cũng là nguyện vọng chung của các chuyên gia Việt Nam học như GS. Philippe Papin và PGS. Pascal Bourdeaux, giảng viên thuộc Viện Cao học Khảo cứu (Pháp) cùng với PGS. Olivier Tessier, phụ trách trung tâm của Viện Viễn Đông Bác cổ ở TP. Hồ Chí Minh, đó là phát triển một loạt ấn phẩm về tranh ảnh hội họa bản địa như là bằng chứng sống động về cuộc sống thường nhật của người Việt Nam xưa và thế giới quan văn hóa của các tầng lớp trong xã hội, từ thường dân bé nhỏ đến tầng lớp trí thức, đại diện tôn giáo và quan lại.
Ấn bản này ngoài lợi ích khoa học còn là lời tri ân dành cho tác giả Maurice Durand, nhà ngữ văn, nhà bác học, người đã công bố nhiều công trình tầm cỡ và là người bạn chí thiết của dân tộc và văn hóa Việt Nam, cũng là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến các chuyên gia Pháp nói chung, những người đã, đang và sẽ chuyên tâm sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ văn hóa Việt Nam.
Mới đây, cuốn “Tranh dân gian Việt Nam” được nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hiệp và Olivier Tessier dịch và giới thiệu. Sách được NXB Văn hóa- Văn nghệ ấn hành, với ấn bản bìa cứng được in số lượng hạn chế (100 cuốn) dành cho những nhà sưu tập và ấn bản phổ thông, bìa mềm.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tri ân sâu sắc công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cơ hội cho hoạ sĩ trẻ phát huy tài năng, sáng tạo

Hành trình giao hưởng qua ba miền ký ức và văn hóa

Cuốn sách khắc họa tâm hồn cao cả của Bác Hồ

Lễ Thượng cờ tại Cột cờ A Pa Chải: Mốc son 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hội đồng Anh chính thức khởi động chương trình tài trợ kết nối thông qua Văn hóa năm 2025

Xây dựng bản sắc văn hóa sáng tạo mang đặc trưng của Thủ đô

Các nhà hát nổi tiếng thế giới đã thay đổi vị thế quốc gia như thế nào?

Nhiều hoạt động hấp dẫn trong "Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội"
