Trao quyền chủ động quyết định thu nhập cho người tài
Đó là một trong các ý kiến được đưa ra tại hội nghị tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tại huyện Thạch Thất sáng nay (4/10).
Làm rõ giới hạn trong phân cấp, ủy quyền
Quang cảnh hội nghị |
Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm tới các quy định phân cấp, phân quyền cho Hà Nội được đưa ra trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng các quy định về phân cấp, phân quyền trong dự thảo khá mạnh mẽ, tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện các hoạt động linh hoạt hơn; Tuy nhiên, nên có sự giới hạn trong phân cấp, ủy quyền.
Theo đó, chỉ nên phân cấp, ủy quyền ở những cấp quản lý hành chính chung - không áp dụng với các cơ quan chuyên môn ở cấp huyện, quận, thị xã bởi tính chất của ủy quyền là chỉ cơ quan chủ quản mới có thể ủy quyền cho cơ quan trực thuộc mình.
Về việc phân quyền cho chính quyền TP Hà Nội trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, GS.TS. Phạm Hồng Thái (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, vấn đề đặt ra là Hà Nội có cần thành lập thêm các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP hay không? Nếu cần thì việc giao cho HĐND TP Hà Nội quyết định là hợp lý, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Bên cạnh đó, việc giao cho HĐND TP Hà Nội quy định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức đặc thù của quận, huyện, thị xã có thể gây tranh cãi vì liên quan đến sự thống nhất trong quy định của pháp luật và xu hướng phân quyền cho cơ sở.
Góp ý về quy định TP trực thuộc Thủ đô, GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cho dù thành lập thành phố trong thành phố thì thành phố đó vẫn là một chủ thể, cấp chính quyền hoàn chỉnh. Cấp chính quyền này phải có cả cơ quan lập pháp và hành pháp. Riêng tư pháp do yêu cầu của việc thực thi thống nhất trên toàn lãnh thổ thì bộ máy tư pháp không nên được tổ chức trong phạm vi địa giới hành chính của TP trong TP.
Áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị
PGS.TS Đặng Minh Tuấn (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị TP Hà Nội nên cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND ở cả cấp phường và quận), quy định trong Luật Thủ đô với tính chất là một văn bản có giá trị lâu dài, ổn định.
Về số lượng đại biểu HĐND TP và HĐND quận/huyện/thị xã, ông Chu Sơn Hà, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, cần quy định “thoáng” hơn, có thể theo tỷ lệ dân cư, chứ không nên quy định “cứng".
Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật chức năng của Thường trực HĐND TP được giải quyết những vấn đề về cơ chế, chính sách trong tình trạng khẩn cấp về thiên tai, dịch bệnh; Hỗ trợ các tỉnh, TP trong trường hợp khẩn cấp; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm đã được phê duyệt nhưng không làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư; Điều chỉnh các dự án nhóm C đã được HĐND TP phê duyệt.
Quan tâm tới vấn đề thu hút nhân tài, TS Nguyễn Anh Đức (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc tham khảo Nghị quyết số 97/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đã trao cho HĐND TP Hồ Chí Minh quyền tự quyết định thù lao trả cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; Mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của TP.
“Đối với Thủ đô, cơ quan HĐND cũng nên được khẳng định thẩm quyền tự chủ tương ứng hoặc rõ nét hơn nhằm chủ động quyết định về thu nhập dành cho cán bộ, công chức, viên chức trong những trường hợp, hoàn cảnh đặc biệt, chứ không chỉ riêng về thù lao khi thu hút nhân tài”, TS Nguyễn Anh Đức nói.
Nhất trí với dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) và mong dự án Luật sớm được thông qua, cử tri Vũ Thị Lệ Quyên (huyện Thạch Thất) kiến nghị, về cơ chế, chế độ, chính sách thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội, Quốc hội cần có sự phân biệt rõ về đối tượng để có quy định phù hợp trong tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm và đãi ngộ nhân tài; Cũng như xây dựng quy trình tuyển dụng có sự tham gia của các cơ quan đại diện như Bộ Nội vụ trong Hội đồng tuyển dụng nhằm tăng cường sự giám sát, bảo đảm tính minh bạch.