Triển khai chương trình chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em
Kế hoạch nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người dân trên địa bàn thành phố.
Đối tượng bao gồm toàn dân trên địa bàn thành phố trong đó có nhóm đối tượng ưu tiên là phụ nữ chuẩn bị mang thai, phụ nữ mang thai, bà mẹ và người chăm sóc trẻm trẻ dưới 2 tuổi.
Cán bộ y tế tiến hành cân đo chiều cao nhằm đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ |
Theo đó, UBND thành phố phấn đấu các chỉ tiêu đến năm 2025 cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ mang thai và trẻ em như giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 11,8%; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 7,3%; Giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500gram) xuống còn 4%; Khống chế tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì xuống dưới 10% (nội thành), 5% (ngoại thành).
Nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ, trong đó tăng tỷ lệ bà mẹ thực hành cho bú sớm ngay 1 giờ đầu sau sinh lên 80%; Tăng tỷ lệ bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu lên 25%; Tăng tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú đến khi được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn lên 60%; Tăng tỷ lệ bà mẹ cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách lên 70%.
Phấn đấu đến năm 2030, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ mang thai và trẻ em, bao gồm, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 11,3%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 6,8%, giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500gram) xuống còn 3,5%, khống chế tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì xuống dưới 10% (nội thành), 5% (ngoại thành).
Nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ đến năm 2030, bao gồm tăng tỷ lệ bà mẹ thực hành cho bú sớm ngay 1 giờ đầu sau sinh lên 85%, tăng tỷ lệ bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu lên 30%, tăng tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú đến khi được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn lên 70%, tăng tỷ lệ bà mẹ cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách lên 80%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND thành phố triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, cùng với các giải pháp về thể chế, chính sách và chỉ đạo điều hành, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh thông tin, truyền thông và vận động thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, về chuyên môn kỹ thuật, theo dõi, giám sát và đánh giá.
Riêng đối với Sở Y tế, UBND thành phố giao Sở Y tế là cơ quan thường trực, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện kế hoạch trên địa bàn thành phố; Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (là đơn vị thường trực), các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện kế hoạch triển khai chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” trên địa bàn thành phố.
Sở bố trí nguồn lực thực hiện chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và các quy định hiện hành; Phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị liên quan trong việc triển khai, kiểm tra giám sát thực hiện chương trình. Triển khai lồng ghép với các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan nhằm đạt hiệu quả cao nhất.