Triển khai Đề án 06 tại Thủ đô: Nhiều quận, huyện tăng tốc về đích
Các mục tiêu của Đề án 06 là tiền đề quan trọng tiến tới vận hành Chính phủ số |
Tăng tốc ‘phủ sóng” ứng dụng VNeID
Tại quận Hà Đông, tính đến hết ngày 5/6/2023, tổng số dân trên 14 tuổi trong bảng chỉ tiêu Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) thông báo là 269.950; Tổng số hồ sơ đã thu nhận (mức 1và 2) là257.890 (chiếm 95,5%); Tổng số tài khoản đã kích hoạt: 199.968 (chiếm 74,1%). Kết quả cho thấy, trong “mảng” chỉ tiêu kích hoạt định danh điện tử, quận Hà Đông đang dẫn đầu toàn thành phố về thực hiện Mệnh lệnh 01 của Giám đốc Công an Hà Nội.
Với chủ trương thống nhất rõ ràng, Công an quận Hà Đông đã tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06 quận xây dựng kế hoạch và thực hiện cao điểm tuyên truyền về định danh điện tử; Hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID và cách thức đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Tại huyện Gia Lâm, Đoàn Thanh niên huyện đã cùng lực lượng công an thành lập đến các khu dân cư, tổ dân phố và các hộ gia đình để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng app VNeID; Tuyên truyền tới người dân về những tiện ích, hiệu quả mang lại từ việc thực hiện các giao dịch hành chính, quản lý giấy tờ cá nhân thông qua VNeID.
Đoàn Thanh niên huyện Gia Lâm phối hợp với lực lượng công an hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số |
Để bảo đảm sự vào cuộc của các phòng, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân trên địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm đã tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06 quận phát động đợt thi đua 15 ngày đêm về đích kích hoạt định danh điện tử. Quận dự kiến sẽ cán đích kích hoạt định danh điện tử trước ngày 21/6/2023.
Quận Bắc Từ Liêm đã thành lập 199 tổ công tác hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử tại 199 tổ dân phố. Thành viên tham gia tổ gồm: Công an, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, bảo vệ dân phố… Trong đó, lực lượng công an và Đoàn Thanh niên làm nòng cốt tiến hành đi từng nhà, rà từng nhân khẩu để vận động, hỗ trợ, hướng dẫn người dân kích hoạt định danh điện tử trong khung giờ từ 19h30 - 21h30 hàng ngày.
Tại huyện Thanh Trì, Ban Chỉ đạo 06 huyện đã tập trung chỉ đạo các biện pháp, giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử cho toàn bộ công dân cư trú trên địa bàn huyện. Qua quá trình triển khai, đến thời điểm này, 5 đơn vị đã hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% công dân trên địa bàn gồm: Yên Mỹ, Hữu Hòa, Đông Mỹ, Duyên Hà, Đại Áng. Tuy nhiên, một số địa phương chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt dẫn tới chỉ tiêu còn thấp.
Cơ bản hoàn thành các nội dung
Hà Nội là địa phương được Chính phủ giao làm điểm triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030). Đến hết năm 2022, thành phố đã cơ bản hoàn thành các nội dung nhiệm vụ trong Đề án 06, đặc biệt đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100%).
Được biết, từ năm 2021 đến quý I/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành 71 quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC); Trong đó ban hành danh mục 1.661 TTHC, thay thế 204 TTHC, bãi bỏ 1.584 TTHC. Tính đến ngày 24/5/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành 14 quyết định, công bố 87 TTHC nội bộ các lĩnh vực: Nội vụ, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội, kiểm soát thủ tục hành chính và văn phòng, giao thông vận tải, tài chính, du lịch, ngoại vụ, khoa học và công nghệ, xây dựng, công thương, giáo dục và đào tạo, quy hoạch và kiến trúc, y tế...
Công an huyện Đông Anh hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm VNeID |
Ngày 9/2/2023, UBND TP Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo TP; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung TP; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp Ban Cán sự Đảng UBND TP, UBND TP và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.
Riêng việc đưa vào vận hành chính thức hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung, TP Hà Nội đã triển khai tới 633 cơ quan, đơn vị; Cấp trên 40.400 tài khoản cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và xử lý công việc. Trên 2 triệu văn bản đã được cập nhật, bảo đảm chỉ tiêu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước sử dụng chữ ký số chuyên dùng hoàn toàn trên môi trường mạng; Đồng thời nâng tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc tại cấp quận, huyện, xã được xử lý trên môi trường mạng trung bình đạt 80%...
Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, Hà Nội xác định công tác kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa liên thông là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính của TP. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai nhanh chóng, kịp thời các công việc theo quy định và theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc tổ chức triển khai rà soát, đơn giản hóa TTHC đạt hiệu quả cao; Hoạt động tham mưu công bố và công khai TTHC được thực hiện nghiêm, đúng quy định, bảo đảm việc tiếp cận, thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân được đơn giản, thuận lợi.