Triển lãm tranh “Truyền thống hiếu học”: Một thời gian khó và hào hùng
Triển lãm nghệ thuật với công nghệ tương tác thực tế ảo kêu gọi bảo vệ các loài hoang dã |
Những cuộc gặp gỡ trước giờ khai mạc
Sáng 31/8, trước giờ khai mạc đã có hàng trăm người đến xem tranh. Không khí thật xúc động khi có nhiều người thấy tranh đã không kìm được những giọt nước mắt.
Bà Vũ Thị Cân bồi hồi xúc động bên bức tranh “Công nhân học vẽ” của chồng, họa sỹ Hoàng Công Luận (1930 - 2021) |
Bà Vũ Thị Cân, 80 tuổi cùng con dâu lặng lẽ đứng hồi lâu ngắm bức Công nhân học vẽ của họa sỹ Hoàng Công Luận (1930 - 2021), sơn dầu khổ 60x80cm, chồng bà vẽ năm 1972. Bà Cân kể giọng vẫn run run vì xúc động vì đây là lần đầu nhìn thấy bức tranh này. Bà nói chồng bà vẽ bức này khi ông đi thực tế ở Quảng Ninh và chỉ được nghe chồng kể lại, nhưng khi đó đang chiến tranh, rồi Bảo tàng Mỹ thuật mua từ hồi ấy, ông bà lại không có máy ảnh nên chỉ biết vậy chứ không có gì lưu lại. Hôm nay tranh được bày thì ông đã đi xa.
Tác phẩm “Chữ A đầu tiên” của Vương Học Báo |
Tại đây, chúng tôi gặp nhà điêu khắc Vương Học Báo với bức tượng Chữ A đầu tiên (thạch cao, 40cm) của ông. Nhà điêu khắc tâm sự, ông gặp và ấn tượng sâu sắc hình ảnh người mẹ ở nông thôn dạy con đọc chữ A, B, C trong một lần đi thực tế năm 1971 nhưng phải mấy năm sau mới hoàn thành được tác phẩm này. Sau đó tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua. Giờ đây, sau hơn 40 năm ông mới lại được thấy đứa con tinh thần của mình nên không khỏi xúc động, bùi ngùi.
Nhà điêu khắc Vương Học Báo (áo xanh) lặng ngắm tác phẩm “Chữ A đầu tiên” sau hơn 40 năm được bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ |
Những bức tranh ra đời trong khói lửa
Các bức tượng, tranh bày trong triển lãm được thể hiện bằng nhiều chất liệu nhưng hầu hết đều có kích thước, khổ nhỏ, nhiều bức chỉ như trang vở và là những ký họa chì, ký họa màu nước, lụa, tranh khắc gỗ. Màu dầu, toan vẽ khi ấy ngay cả với các họa sỹ hàng đầu cả nước cũng khan hiếm như hàng xa xỉ.
Lớp học bình dân, tranh khắc gỗ của Nguyễn Thế Vinh (1926 – 2022), sáng tác 1961, kích thước 22x32,5cm. |
Điều này cũng không lạ vì đó là những năm chiến tranh vô cùng ác liệt. Các họa sỹ theo lời kêu gọi của Bác, thực sự là những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Họ yêu nghề, say nghề, khắc phục mọi khó khăn để có những tác phẩm phản ánh thực tế, đó là phong trào xóa nạn mù chữ, phong trào bình dân học vụ... sau này là phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi … phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng: Lớp trung học đầu tiên của Diệp Minh Châu (1919 – 2002), chất liệu chì than trên giấy, sáng tác 1948, khổ 21,5x32,5cm; Bủ Đường biết đọc của Tô Ngọc Vân (1906 – 1954), màu nước, 1954, khổ 49,2x35cm; Trong công viên Thống Nhất của Nguyễn Phan Chánh (1892 – 1984), lụa, 1964, khổ 50,3x72,5cm; Lớp học bình dân của Trần Văn Cẩn (1910 – 1994), màu nước, sáng tác 1950, khổ 16x23cm; Lớp học trưa của Dương Tuấn (1935 – 1990), khắc gỗ, 1961, khổ 23x31cm; Đồng bào Thanh Y đi học của Hồ Khải Dìn , sáng tác 1965, bột màu, 33,5x24cm; Chăm học chăm làm của Phạm Văn Đôn (1918 – 2000), khắc gỗ, khổ 25,5x40cm…
Dân quân gái Ngư Thủy, tranh sơn mài của Hoàng Trầm, sáng tác 1974, kích thước 98x120cm. |
Tuy nhiên không phải vì những bức tranh khổ nhỏ, chất liệu rẻ tiền mà phòng tranh ít giá trị. Trái lại, đó là những tư liệu vô cùng quí giá, giúp các thế hệ sau này hiểu thêm về cuộc chiến đấu gian khổ mà hào hùng của các thế hệ ông cha để có được ngày hôm nay.
Đi học bình dân, tượng thạch cao của Lê Công Thành (1932 – 2019), cao 93cm. |
Kiều Huy Dương, học viên cao học Khoa Quan hệ công chúng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), một trong những người tới phòng tranh sớm, nói: Triển lãm diễn ra trước thềm năm học mới nên càng ý nghĩa. Năm 1945, nước ta dưới thời Pháp thuộc chết đói tới hai triệu người, trên 90% dân mù chữ. Ngay khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã phát động chiến dịch diệt giặc đói, giặc dốt. Với nhiệm vụ diệt giặc dốt là phát động phong trào xóa nạn mù chữ, bình dân học vụ. Ngay trong những năm Mỹ ném bom Miền Bắc ác liệt nhất, học sinh vẫn đội mũ rơm đến trường, đến nay toàn dân đã được phổ cập giáo dục. Kết quả đó cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Bác Hồ được thể hiện qua phòng tranh ý nghĩa này. Nếu các trường học ở Hà Nội và các tỉnh lân cận có kế hoạch tổ chức cho các em đến xem triển lãm hoặc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đưa tranh về các địa phương bày để các em hiểu được thế hệ trước đã học tập trong các hoàn cảnh như thế nào, qua đó liên hệ với trách nhiệm của các em hiện nay, phòng tranh sẽ càng có hiệu quả truyền thông cao.
Triển lãm khai mạc sáng 31/8, dự kiến hết ngày 11/9 là đóng cửa.