"Triệu dấu chân qua những cửa ô" - chân dung Hà Nội qua bước đi về
Hội Sách Hà Nội lần thứ VII lan tỏa hình ảnh Thủ đô giàu truyền thống và sẵn sàng hội nhập |
Vẽ chân dung Hà Nội qua những dấu chân đi về
Có mặt tại buổi ra mắt sách, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho rằng Nguyễn Trương Quý là một trong những nhà văn có sức làm việc rất bền bỉ. Với hơn chục cuốn sách ra mắt đều đặn trong thời gian quan cho thấy lao động chữ nghĩa của anh thật nghiêm túc và liên tục. Nguyễn Trương Quý có lợi thế là một kiến trúc sư nên những góc nhìn của anh về kiến trúc, về quy hoạch đô thị rất có chuyên môn, thuyết phục.
Đông đảo độc giả đến với buổi giao lưu ra mắt tập du khảo "Triệu dấu chân qua những cửa ô" của nhà văn Nguyễn Trương Quý |
Dù vậy, những tác phẩm của anh lại rất dễ đọc, dễ hiểu và cuốn hút với ngay cả độc giả thông thường chứ không chỉ là những người chỉ đi tìm tài liệu để nghiên cứu. Có lẽ, chính bởi vậy mà anh có lượng độc giả của riêng mình và ngày càng nhiều người thích đọc sách của anh.
Còn Nguyễn Trương Quý, khi được hỏi với Hà Nội, anh yêu đất hay yêu người hơn, anh đã kể một câu chuyện. Đó là khi anh ở Bangkok (Thái Lan) một năm, đi qua những con phố, thấy hoa sữa nở bất cứ lúc nào trong năm. Hoa sữa nở khiến anh nhớ đến Hà Nội.
Tuy vậy, hoa sữa ở đây chẳng có mùi gì cả. Điều đó khiến anh nhận ra rằng, ô, vẫn là loài hoa ấy, vẫn là những góc phố, con đường có vẻ giống nhau ấy nhưng điều gì khiến anh và mọi người nhớ Hà Nội đến vậy?
Phải chăng, cái mùi hương hoa ấy và cả những con người có thể thích, có thể không thích hoa sữa mới chính là những nhân tố làm nên một Hà Nội khác biệt với những nơi khác? Hỏi anh yêu đất hay yêu người hơn, thì rõ ràng là yêu người hơn rồi.
Với "Triệu dấu chân qua những cửa ô", Nguyễn Trương Quý chọn vẽ chân dung Hà Nội qua những dấu chân đi về. Như anh chia sẻ trong lời nói đầu cuốn sách, "Hà Nội có nhiều cửa ô, tôi chọn biểu tượng này vì lẽ chúng là tên gọi gợi nhớ ngay đến Hà Nội, và cửa ô trong tâm tưởng là những lối nhập thành, tìm hiểu những câu chuyện của đời phố."
Nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ về cuốn sách của mình |
Cuốn sách thể hiện quan sát của tác giả, trong khoảng một trăm năm qua, những đường đi lối lại của của người Hà Nội, những phương tiện họ sử dụng, những chốn ở và đi quen thuộc cả trong đời thường và trong vọng tưởng. Trong cuộc đi lại mải miết ấy, theo vòng quay lịch sử, không gian và sự vật đổi thay, kéo theo sự đổi thay của tâm tình người Hà Nội.
Đấy có thể là sự phôi pha của những cửa ô trước sự phát triển của đô thị mới: “Rồi người Việt cũng mau chóng hấp thụ những hình thái mới, với họ ngã tư và cột đèn trở thành cặp bài trùng mới cho đô thị, thay cho những bến sông và cửa ô. Ngay chính những cửa ô cũng trở thành các ngã tư, ngã năm khi những đoạn tường lũy bị bạt thấp dần trở thành đường đi.
Người Hà Nội đã quen với những ngã năm Chợ Dừa, ngã tư Đại Cồ Việt, ngã tư Cầu Dền mà dần quên hình ảnh các cửa ô từng hiện diện cho đến cuối thế kỷ 19. Phạm vi của những khu phố lan dần ra xa hơn những cửa ô, theo những tuyến đường tàu điện về các ngả.”
Hay là nỗi hoài nhớ đượm màu lãng mạn của con người dành cho những chiếc tàu điện đã biến mất vì không còn sự thực dụng: “Tiếng leng keng không thay đổi qua năm tháng đã giúp việc hồi cố chồng lấn hai thời Pháp thuộc và bao cấp.
Nó khiến người thời bao cấp và cả hậu bao cấp vẫn như được đồng hội đồng thuyền với người thời Pháp thuộc. Nó mỹ hóa ký ức của họ. Họ nhớ tàu điện là nhớ năm tháng nhọc nhằn, để rồi bồi đắp một ý niệm về vẻ đẹp khổ hạnh mà giờ đây lại thành của hiếm”.
Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch trao đổi về tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Trương Quý |
Khi tìm hiểu những không gian, sự vật, sự kiện, nhân vật trong câu chuyện đi lại này, Nguyễn Trương Qúy luôn đào sâu xuống dưới những mô tả bề mặt, những con số khô khan, để đưa ra những nhận xét, phán đoán sâu sắc, thú vị hoặc gây bất ngờ. Điều ấy làm cho cuốn sách một mặt có sức nặng của khảo cứu, mặt khác không thiếu đi sự duyên dáng, nhịp nhàng, thơ mộng của văn chương.
"Triệu dấu chân qua những cửa ô" là cuốn sách đầu tiên vẽ chân dung Hà Nội qua những bước chân đi về. Cuốn sách là một cuộc lãng du chầm chậm theo cả hai chiều không gian - thời gian, hấp dẫn bởi vị sâu lắng ngậm ngùi pha lẫn nét hài hước ý nhị, bởi cho ta nhận thức về việc ta có kết nối gì với quá khứ và vì sao ta ở đây.
"Chuyến hành trình" của văn hóa
Nói về cuốn sách mới nhất này, nhà văn Nguyễn Trương Quý tâm sự trong Lời ngỏ: Trong khi đi tìm những câu chuyện về Hà Nội trong vòng trăm năm qua, nghĩa là khoảng thời gian Hà Nội được tạo dựng thành một thành phố hiện đại, tôi gặp những câu chuyện khó xếp vào một chủ đề duy nhất. Chúng nằm ở khoảng giao thoa của rất nhiều chủ đề làm nên chân dung thành phố.
Cuốn sách "Triệu dấu chân qua những cửa ô" của nhà văn Nguyễn Trương Quý |
Tôi bắt đầu mạch những khảo cứu này ở tâm thế kẻ lang thang trên những con đường cũ mới, trong những trang viết, bài thơ hay câu hát về chúng, rồi đến một lúc lan rộng ra những ngã rẽ hay dừng chân ở những khoảng không gian mà tôi ví chúng như quảng trường, ngã tư. Tập khảo cứu này, thực sự là một hành trình được thuật lại.
Tôi hình dung hành trình ấy bằng những phương thức cơ bản: Bắt đầu đơn giản là đi bộ (vậy mà bây giờ đi bộ ở Hà Nội cũng có khi khó khăn vì vỉa hè bị chiếm dụng và nhất là, ai nấy đều leo lên xe máy cho tiện!), rồi đến xe đạp, thứ phương tiện đã từng bá chủ giao thông ở Hà Nội, đồng thời là tài sản mơ ước của ông bà, bố mẹ thế hệ tôi.
Rồi xe hơi, tàu điện, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay, những thứ lần lượt ra đời như sự tiến hóa trong việc đi lại của người Việt, cũng như sự hiện diện mang tính văn hóa của chúng trong không gian Hà Nội. Mang tính văn hóa là bởi chúng đã tạo ra đậm đặc những ngữ liệu văn hóa, đi vào lời ăn tiếng nói lẫn tâm tình của con người hơn một thế kỷ qua, mà chúng ta là những kẻ thừa kế.
Hà Nội có nhiều cửa ô, tôi chọn biểu tượng này vì lẽ chúng là tên gọi gợi nhớ ngay đến Hà Nội, và cửa ô trong tâm tưởng là những lối nhập thành, tìm hiểu những câu chuyện của đời phố. Trên hành trình ấy, những chuyến tàu xe theo dọc dài lịch sử cận và hiện đại lại chở những nhân vật văn hóa. Mỗi người trong số họ cũng có cuộc hành trình riêng, nhưng đều đi trên một chuyến chuyển dịch lớn của xã hội Việt Nam trong thế kỷ nhiều biến động.
Những nhân vật tôi chọn viết về là những người khách của một khoang riêng trên chuyến tàu, họ có thể gây chú ý ở số ghế quá đặc biệt nhưng cũng có khi lặng lẽ lướt qua lối đi. Phần lớn cuộc di chuyển lại tựa như một chuyến du ngoạn chậm rãi vòng quanh Hà Nội, người lên người xuống, có người đi mang theo hình bóng một thời không quay trở lại, có người lên lại nhắc nhở về quá khứ dưới một dáng vẻ mới.
Tôi lấy khoảng thời gian ước định một trăm năm là vì có ý tìm một sự đối chiếu giữa hôm nay, thập niên thứ hai của thế kỷ 21 với những năm đầu thế kỷ 20. Thay vì cố gắng tạo ra ấn tượng về một quá khứ chân xác kiểu duy vật thuần túy, tôi tìm cách trả lời cho những thắc mắc của chính mình về một sự tiếp biến các biểu tượng và hành vi văn hóa ở Hà Nội nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung bằng cách thử vẽ ra hành trình chuyển động của những điều đó trong liên thông văn bản văn học và văn hóa chung.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý ký tặng sách bạn đọc |
Bản thân một văn bản văn chương như truyện ngắn, tiểu thuyết, bài thơ hay một bài hát, thậm chí các bài báo cũ chỉ phát huy vai trò của chúng khi được đặt vào một bối cảnh được xem xét chu đáo. Có thể cách làm này được xem như một loại phương pháp “lịch sử mới” hay “tân duy sử” song tôi luôn tin rằng, suy tư về mức độ, liều lượng của những thứ rất tinh vi ở Hà Nội thực sự cần thiết để hiểu đời sống mảnh đất này. Có rất nhiều thứ rất nhỏ mà ngoảnh lại nhìn trăm năm qua, sự biến mất hoặc biến đổi của chúng làm cho Hà Nội hôm nay rất khác đầu thế kỷ 20.
Có những thứ đã biến mất hoặc khuất dạng trong văn hóa giao thông thường nhật mà vẫn đủ sức kéo dài hình tượng mấy chục năm sau, chẳng hạn tàu điện trên mặt đất hay tàu thủy trên sông Hồng. Có những thứ đang là phương tiện chủ lực nhưng dường như số phận của chúng trên những con đường nội thành chỉ tính bằng năm như xe máy. Có những thứ đã từng là tập quán tưởng như ăn sâu vào tâm thức cộng đồng như nghĩa trang, vậy mà đến lúc đã phải thay đổi nghi thức. Viết về sự hiện diện của chúng có lẽ cũng là ghi lại sự hiện diện của chính chúng ta, với đủ vui buồn.
Một đôi lời chia sẻ để bạn đọc hình dung rõ hơn mạch khảo cứu của cuốn sách này, tựa như một đoạn thông báo của nhà ga, bến xe hay sân bay, nơi bạn quyết định sẽ lên chuyến hành trình sắp chuyển bánh. Có người đồng hành, chuyến đi đáng kể hơn rất nhiều.