"Trốn" công việc vào cuối tuần
Những xu hướng làm việc đáng chú ý năm 2024 |
Ngừng làm việc vào cuối tuần
“Mình vừa nộp đơn xin nghỉ việc, cuối tháng này mình sẽ nghỉ làm. Mặc dù rất thích công việc hiện tại cũng như yêu quý đồng nghiệp nhưng tình trạng cuối tuần phải đau đầu nhức óc vì bị các tin nhắn công việc làm phiền mình khiến không chịu nổi nữa rồi", đó là chia sẻ của Bùi Thảo Phương (24 tuổi, nhân sự trong lĩnh vực sự kiện) sau gần 1 năm làm việc tại công ty của mình.
Thảo Phương cho biết, khi mới vào làm, cô và cấp trên công ty đã trao đổi rất kĩ với nhau về tính chất công việc, thời gian làm việc. Đôi khi có một số việc phát sinh buộc phải chỉnh sửa gấp ngoài giờ làm, Thảo Phương sẽ linh hoạt phản hồi tin nhắn, cuộc gọi để không làm chậm tiến độ công việc nhóm.
Khi thỏa thuận, cô và cấp trên đồng ý rằng quyền lợi đưa ra để đánh đổi cho việc đồng ý có mặt ngoài giờ này là thời gian làm việc sẽ được linh hoạt không cần chấm đủ công. Tuy nhiên, khi lượng công việc giao xuống cho Thảo Phương không được cân đo đúng cho một nhân lực làm 8 tiếng/ngày và 5 ngày/tuần, vì hai chữ "linh hoạt", Thảo Phương liên tục bị gọi tên giao việc bất kể lúc nào.
Nhiều người trẻ đang từ chối làm việc vào cuối tuần |
“Tuần nào cũng vậy, mình phải cặm cụi hoàn thành mọi thứ trong ngày làm việc lẫn phải chỉnh sửa, hoàn thành thêm những nhiệm vụ khác vào cuối tuần. Đây thực sự không đúng với những gì mà mình đã thỏa thuận khi nộp đơn xin việc. Nó khiến mình gần như kiệt sức vì không có thời gian để nghỉ ngơi cho bản thân", Thảo Phương nói.
Thảo Phương không phải là nhân sự trẻ đầu tiên chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Trên lý thuyết, ai cũng đồng ý rằng ngày cuối tuần là ngày nghỉ của nhân viên, nếu đã thỏa thuận rõ trên hợp đồng đây là ngày không phải làm việc, thì họ có quyền không nhận xử lý bất kì công việc gì.
Tuy nhiên trong thực tế, dân văn phòng khó có thể nhắm mắt làm ngơ khi công việc có phát sinh bất ngờ, khi cấp trên nhắn tin trao đổi công việc. Không ít trong số họ “vui vẻ” im lặng cho đến thứ 2 đầu tuần để không bị đánh giá là vô trách nhiệm, thái độ làm việc không hợp tác, hình ảnh không bị xấu đi trong mắt cấp trên.
Đức Hải (26 tuổi, nhân viên trong lĩnh vực kinh doanh) chia sẻ rằng mình có một nguyên tắc từ khi đi làm đến giờ, là không làm việc vào ngày nghỉ. Mọi tin nhắn trong các nhóm, từ Facebook, Viber, hay Zalo anh đều tắt. Nếu có cuộc gọi, Đức Hải sẽ nghe máy và xem xét tính chất công việc đó có thật sự gấp hay không, nếu không giải quyết ngay trong hôm nay thì công ty sẽ thua lỗ, mất hợp đồng hay có ảnh hưởng lớn gì không... Nếu không, anh sẽ tiếp tục xử lý vào ngày đầu tuần.
"Mình cho rằng không trả lời tin nhắn công việc vào cuối tuần không thể nào là hành vi vô trách nhiệm được. Bạn đâu thỏa thuận phải làm cả cuối tuần khi đồng ý nhận việc, bạn đâu được trả lương tăng ca vào ngày hôm đó... mà với mình, trả lời tin nhắn về công việc cũng đồng nghĩa là làm việc, nên mình sẽ không trả lời.
Đức Hải không trả lời tin nhắn công việc vào cuối tuần |
Mình nghĩ rằng nếu bạn không sẵn lòng vì điều đó, đừng cố ôm đồm vì có thể tiếp theo, bạn sẽ bỏ việc vì chính áp lực mà mình tạo ra", Đức Hải bày tỏ.
Chàng trai 26 tuổi cũng cho rằng, hiện nay các công ty đều đánh giá năng lực nhân sự dựa trên hiệu quả làm việc, chất lượng công việc tạo ra, không phải cứ cần mẫn làm, cứ chăm chỉ có mặt ngày đêm lẫn cuối tuần là được đánh giá cao. Khi làn sóng sa thải ập đến, nếu không tạo ra giá trị, dù có chăm chỉ nhất nhì công ty thì bất cứ ai cũng có thể bị sa thải như thường.
Chấp nhận với lựa chọn
Trái ngược với quan điểm trên, số khác lại cho rằng trả lời các cuộc gọi, tin nhắn công việc cuối tuần là chuyện hiển nhiên, đặc biệt là những dân văn phòng làm việc trong các lĩnh vực đặc thù như sales, biên tập sản xuất chương trình, phóng viên... Đi làm vào ngày thứ Bảy hay Chủ nhật không còn nằm ở việc bạn có thích hay không nữa, mà đó là sự chủ động cần thiết để hoàn thành được công việc.
Minh Huệ (26 tuổi, nhân sự mảng truyền thông) cho biết: “Những ngày cuối tuần nếu có công việc cần họp hành như chỉnh sửa nội dung, liên hệ các bên để xác nhận lịch ghi hình... mình đều buộc phải làm để đảm bảo tiến độ. Mặc dù trong tuần nếu không có lịch ghi hình mình vẫn lên công ty chấm công, làm việc như viết kịch bản, lập kế hoạch, họp hành, làm báo cáo bình thường.
So ra ngoài 8 tiếng hành chính, mình luôn phải túc trực điện thoại để nghe/gọi, nhắn tin/trả lời tin nhắn công việc liên tục. Mình cảm thấy nên chấp nhận vì đây là đặc thù công việc, chỉ là 10 phút - 30 phút, mình cũng không phải bị chiếm dụng cả một ngày cuối tuần mà".
Việc "đình công" vào cuối tuần cần phải "liệu cơm gắp mắm" |
Tương tự, với tính chất công việc của một nhân viên kinh doanh các sản phẩm đồ gia dụng, Lâm Nhi (24 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, đối với cô, cuối tuần được xem là ngày làm việc chính yếu mặc dù đã đi làm đầy đủ trong tuần.
“Rõ ràng về lý, bạn được quyền không làm việc vào cuối tuần, nhưng hiện tại các doanh nghiệp đều đang đánh gia nhân sự nào có tinh thần cống hiến, sẵn sàng làm việc và đồng hành cùng công ty lâu dài, thế nên bạn phải "khéo léo" một chút, cố gắng tháo vát, sẵn sàng có mặt khi sếp gọi cũng ghi điểm biết bao nhiêu.
Mình thấy việc tăng ca cuối tuần như vậy cũng bình thường vì mình trẻ nên cũng muốn làm thêm để trau dồi, học thêm từ các anh chị đồng nghiệp. Đồng ý rằng việc trả lời cuộc gọi, tin nhắn công việc sẽ làm mình bị gián đoạn ngày nghỉ, cuộc vui, tâm trạng cá nhân... nhưng bù lại nó giúp công việc trong tuần của mình được trôi chảy hơn.
Mọi thứ đang phát triển hơn thì lại vướng phải suy thoái kinh tế khi thị trường lao động ảm đạm và cơn bão sa thải lần lượt diễn ra tại các thành phố lớn nên mình nghĩ rằng việc "đình công" vào cuối tuần cần phải "liệu cơm gắp mắm", thậm chí là hãy làm thêm vào cuối tuần để có cho mình “nhiều thứ” hơn”, Lâm Nhi chia sẻ.