Trước vụ giám đốc chi nhánh bị tố làm giả hồ sơ, Ngân hàng SCB từng “dính” sai phạm gì?
Góp vốn lòng vòng, đất công về tay tư nhân
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 9/5, SCB đã chính thức phát đi thông cáo báo chí về việc sa thải bà P.H.T - Giám đốc SCB Chi nhánh Nguyễn Kiệm vì có hành vi lập hồ sơ giả, vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn cho vay. SCB sau đó đã chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để làm sáng tỏ.
Trước đó, SCB cũng vừa trải qua quá trình bị thanh tra do có sai phạm liên quan đến hoạt động cho vay tín dụng tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh và đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Báo cáo kết luận số 2099/BC-TTCP ngày 2/12/2020.
Khu đất 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (hai khu đất ngay góc liền nhau) từng là đất công do Nhà nước quản lý đã về tay tư nhân sau nhiều lần chuyển nhượng, góp vốn lòng vòng |
Theo nội dung kết luận, khu nhà, đất số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh có tổng diện tích hơn 6.270m², đã được xác lập sở hữu Nhà nước và giao cho Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) quản lý, sử dụng từ sau năm 1975.
Thực hiện chủ trương về xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP HCM, năm 2001, Vinafood 2 đã lập báo cáo xin chuyển mục đích sử dụng đất của 4 cơ sở nhà, đất này từ mục đích sản xuất kinh doanh sang xây dựng cao ốc văn phòng, nhà ở cao tầng để bán và cho thuê theo đúng quy hoạch của thành phố. Dự án do chính đơn vị này trực tiếp làm chủ đầu tư và được Bộ Tài chính, UBND TP HCM đồng ý phê duyệt.
Tuy được đồng ý về mặt chủ trương nhưng giai đoạn này, do khó khăn về nguồn vốn, không thể nộp tiền sử dụng đất, không lập phương án di dời các hộ gia đình đang sinh sống tại đây và cũng không thực hiện bất kỳ thủ tục đầu tư nào… nên ngày 28/2/2007, Vinafood 2 có văn bản đề nghị xin gia hạn và được UBND TP HCM chấp thuận lần 2.
Đến năm 2010, sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, Vinafood 2 được Sở Tài nguyên và Môi trường (thừa ủy quyền của UBND TP HCM) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với thửa đất số BB971073 để lập thủ tục đầu tư dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại với thời hạn giao đất là 50 năm.
Cũng từ đây, Vinafood 2 bắt đầu quá trình thay đổi phương án từ trực tiếp đầu tư dự án sang hợp tác, liên kết, góp vốn với Công ty TNHH TM Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân), thành lập Công ty TNHH Hai thành viên lấy tên là Công ty TNHH TM DV XD Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn). Trong đó, Công ty Việt Hân góp 80% vốn bằng tiền mặt, Vinafood 2 góp 20% bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng đất của 4 cơ sở nhà đất trên.
Đáng chú ý theo kết luận, trong quá trình hợp tác, Vinafood 2 đã để xảy ra nhiều sai phạm, trong đó có 4 lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặt biệt, Vinafood 2 từ hợp tác, liên kết với đối tác chuyển sang thoái toàn bộ vốn góp tại Việt Hân Sài Gòn, biến khu đất trên từ đất công trở thành đất tư nhân.
Cụ thể, ngày 30/12/2015, Vinafood 2 ký hợp đồng bán hết phần vốn góp bằng tiền mặt (160 tỷ đồng) của đơn vị này tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty Việt Hân (gọi là thoái vốn) khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật. Lúc này, khu đất được được cập nhập biến động với việc đổi tên Vinafood 2 trên GCNQSDĐ thành tên Công ty Việt Hân Sài Gòn.
Ngày 30/1/2016, một ngày sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) thay đổi lần 1, Công ty Việt Hân chuyển nhượng ngang giá 99% vốn góp là 792 tỷ đồng trong Công ty Việt Hân Sài Gòn cho bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng, theo hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 60/20016/HĐCNVG/VH-SG.
Ngày 2/2/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp GCNĐKKD thay đổi lần thứ 2 (vẫn giữ tên cũ là Công ty Việt Hân Sài Gòn và giữ nguyên vốn điều lệ là 800 tỷ đồng), trong đó bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng nắm giữ 99% vốn góp, Công ty Việt Hân nắm giữ 1% vốn góp.
Ngày 3/2/2016 (một ngày sau khi đăng ký kinh doanh thay đổi lần 2), bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng chuyển nhượng toàn bộ 99% vốn góp là 792 tỷ đồng trong Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty CP BĐS Mùa Đông, với giá trị chuyển nhượng ghi trong hợp đồng tăng từ 792 tỷ đồng thành là 1.980 tỷ đồng.
Cùng ngày 3/2/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp GCNĐKKD thay đổi lần thứ 3, vẫn giữ tên cũ là Công ty Việt Hân Sài Gòn và giữ nguyên vốn điều lệ là 800 tỷ đồng, trong đó Công ty CP BĐS Mùa Đông nắm giữ 99% vốn góp, Công ty Việt Hân nắm giữ 1% vốn góp.
Đến ngày 24/1/2017, chủ sở hữu của Công ty Việt Hân Sài Gòn (là Công ty CP BĐS Mùa Đông và Công ty Việt Hân) chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty CP Sài Gòn Dimensions (tỷ lệ 60%) và Công ty Đầu tư BOB (tỷ lệ 40%).
Lập dự án khống để vay vốn
Theo Báo cáo kết luận thanh tra, giai đoạn từ 2010 đến cuối năm 2015, Vinafood 2 không triển khai dự án, chỉ sử dụng GCNQSDĐ này để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho các công ty thành viên có cùng mục đích sử dụng vốn vay giống nhau.
Sai phạm liên quan đến Vinafood 2 đang được cơ quan chức năng xử lý theo quy định |
Giai đoạn khoảng từ cuối năm 2015 đến thời điểm bị thanh tra, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã sử dụng GCNQSDĐ này và lập nhiều hồ sơ vay bằng dự án đầu tư khống (thực tế không có tồn tại dự án, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền) để thế chấp đảm bảo cho nhiều khoản vay vốn trực tiếp tại một số ngân hàng TMCP, hoặc đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho các pháp nhân khác thực hiện các dự án khác, không liên quan đến 4 cơ sở nhà, đất này để vay vốn và giải ngân trái pháp luật.
“Việc Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất kèm chứng thư xác định trị giá tài sản đảm bảo, phối hợp với Ngân hàng SCB và các cơ quan Công chứng để thực hiện ký cùng thời điểm 7 hợp đồng thế chấp có cùng nội dung như nhau, cùng giá trị tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho 7 công ty khác nhau là 6.308 tỷ đồng, bằng cách: Lập hồ sơ dự án đầu tư khống đối với 4 cơ sở nhà đất này, lấy tên là The Goldmark Premium Tower để các công ty này ký hợp đồng tín dụng vay ngắn hạn với một trong các chi nhánh ngân hàng của Ngân hàng SCB, có mục đích sử dụng vốn vay là “Bổ sung vốn để thực hiện thi công dự án The Goldmark Premium Tower giai đoạn 1 tại địa chỉ của 4 cơ sở nhà đất này” và được giải ngân ngay.
Khi các khoản vay và lãi trả cuối kỳ này đến hạn sẽ được chuyển sang chi nhánh ngân hàng khác giải ngân như cho vay mới. Phương thức và cách làm này được lập lại nhiều lần như nhau, số tiền vay lần sau lớn hơn lần trước là vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chính sách tín dụng, quy trình lõi cấp tín dụng, quy chế phán quyết cấp tín dụng của ngân hàng TMCP”, báo cáo kết luận thanh tra chỉ rõ.
Cần nhanh chóng xử lý sai phạm
Để tránh thất thoát tài sản Nhà nước, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP HCM chỉ đạo Sở Tư pháp TP HCM chỉ đạo và giám sát Phòng Công chứng số 7 khởi kiện ra TAND cấp có thẩm quyền đề nghị tuyên văn bản công chứng “Hợp đồng góp vốn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa Vinafood 2 với Công ty Việt Hân Sài Gòn là vô hiệu; Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố thu hồi GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 và thu hồi 4 cơ sở nhà, đất tại các địa chỉ 33 đường Nguyễn Du, 34-36-42 đường Chu Mạnh Trinh để quản lý, khai thác, sử dụng đúng pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP HCM chỉ đạo Công an thành phố kiểm tra việc phá dỡ tài sản Nhà nước tại số 42 đường Chu Mạnh Trinh, xác định giá trị thiệt hại tài sản Nhà nước, trách nhiệm bồi thường và hình thức xử lý theo quy đinh pháp luật; Chỉ đạo Cục thuế thành phố phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xác minh làm rõ việc các bên liên quan gian lận thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển nhượng lòng vòng qua cá nhân để hưởng thuế suất 0,1% đối với hoạt động chuyển nhượng vốn góp trong Công ty Việt Hân Sài Gòn.
Ngoài ra, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước thanh tra toàn diện hoạt động cấp tín dụng trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay và các khoản vay liên quan đến việc sử dụng GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 của 4 cơ sở nhà đất nói trên; Xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm theo đúng thẩm quyền; Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Vinafood 2 kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý đúng quy định pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp với Công ty Việt Hân Sài Gòn thực hiện trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện không đúng các quy định của pháp luật, nhằm chuyển dịch 4 cơ sở nhà, đất công có vị trí sinh lời cao thuộc quyền quản lý, sử dụng của Nhà nước cho tư nhân trái thẩm quyền, không đúng quy định pháp luật.