Trường học gắn kết, thầy cô trách nhiệm nâng cao chất lượng giáo dục
Triển khai phong trào nhà trường cùng chung tay phát triểnĐồng hành nâng cao chất lượng giáo dục tại huyện Ứng Hòa và quận Hoàng Mai |
Tháo gỡ nhiệm vụ khó
Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2024 được ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai từ tháng 12/2022. Mô hình này nhằm đẩy mạnh sự kết nối giữa ngành giáo dục các quận, huyện, thị xã và các nhà trường trong việc chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau.
Giáo viên các nhà trường tăng cường giao lưu, chia sẻ chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục |
Đây là một giải pháp mới nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi nhà giáo, từng trường học để cùng thực hiện mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, giảm khoảng cách giữa các trường học ở các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội.
Chia sẻ về ý nghĩa nhân văn của phong trào, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết: “Huyện có trên 70.000 học sinh, trong đó 15% là học sinh dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn, chất lượng giáo dục giữa các vùng miền trong huyện chưa đồng đều.
Triển khai phong trào, 102 trong tổng số 111 trường học của huyện Ba Vì đã tham gia hoạt động kết nghĩa với các đơn vị, nhà trường ở quận Ba Đình, quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm, quận Tây Hồ, huyện Hoài Đức và thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cao. Qua đó, Ba Vì đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng dạy học trên địa bàn”.
Nội dung phối hợp hoạt động được cụ thể hóa với các sinh hoạt chuyên môn, tập trung tháo gỡ những nhiệm vụ khó và mới như giáo dục STEM, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo cho học sinh yếu, kém...
Qua chương trình, đến nay, gần 1.400 học sinh của huyện Ba Vì đã được hỗ trợ về học tập như dạy phụ đạo miễn phí; trao tặng sách vở và tiền mặt để các em yên tâm đến trường...
Rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục
Không chỉ huyện Ba Vì, chất lượng giáo dục ở nhiều huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội đã có bước cải thiện đáng kể từ khi tham gia phong trào “Nhà trường cùng phát triển - Nhà giáo cùng sẻ chia trách nhiệm”.
Tham gia chương trình này, quận Cầu Giấy và huyện Phúc Thọ đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, đánh giá thực trạng từ đó đưa ra những hoạt động phối hợp hiệu quả.
Một trong những buổi sinh hoạt chuyên đề giữa giáo viên quận Hoàng Mai và huyện Ứng Hòa |
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Đoàn Tiến Trung, cho biết: “Trước khi xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, thời gian qua, đại diện lãnh đạo, giáo viên ngành Giáo dục quận Cầu Giấy và huyện Phúc Thọ dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu thuận lợi, khó khăn cơ bản của từng bên. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, sĩ số học sinh/lớp là những khác biệt cơ bản của hai bên, trong đó các trường ở địa bàn huyện có nhiều khó khăn hơn”.
Khắc phục trở ngại này, hai bên cùng xác định tập trung vào hoạt động chuyên môn, tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, gỡ khó cho giáo viên khi dạy các môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên của hai bên cũng tổ chức nhiều chuyên đề trao đổi phương pháp dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 9 để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học tới.
Mới đây, tiết học đặc biệt đặt tại trường Trung học phổ thông Đan Phượng (huyện Đan Phượng) do một giáo viên giỏi của trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) được kết nối tới hơn 200 điểm cầu của các trường học trên địa bàn thành phố đã đem lại nhiều hứng khởi cho cả giáo viên và học sinh. Việc đổi mới cách thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn nhận được sự ủng hộ và phản hồi tích cực của các cán bộ quản lý, giáo viên và cả học sinh.
Từ đầu năm học đến nay, đã có rất nhiều tiết dạy trực tuyến như thế được triển khai với phạm vi kết nối không chỉ trong từng quận, từng huyện mà toàn thành phố. Chăm chú theo dõi, ghi chép tỉ mỉ, ghi hình lại các bài giảng - đó là cách mà cán bộ, giáo viên các nhà trường dự các tiết dạy của đồng nghiệp trường bạn.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết - Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đồng Tháp (huyện Đan Phượng), chia sẻ: “Chúng tôi học được rất nhiều kinh nghiệm hay từ đồng nghiệp. Qua dự giờ, trao đổi kinh nghiệm, giáo viên biết cách truyền đạt những nội dung khó để học sinh dễ tiếp thu và nhớ lâu. Với các giờ dạy của đồng nghiệp cũng như qua thảo luận, trao đổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên cũng có thêm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ, phụ đạo học sinh yếu, kém”.
Không chỉ kết nối, chia sẻ phương pháp dạy học hay giữa các trường học trên địa bàn thành phố, một số trường còn chủ động kết nối với các trường ở tỉnh khác. Cụ thể, nhằm hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số tại huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) tiếp cận và nâng cao năng lực tiếng Anh, Trường Liên cấp Marie Curie (Hà Nội) đã khởi xướng thực hiện chương trình dạy tiếng Anh trực tuyến, đồng thời, cử giáo viên dạy trực tiếp tại một số trường ở huyện này.
Ghi nhận thực tế cho thấy, khác với khá nhiều phong trào, cuộc vận động đã, đang triển khai trong ngành Giáo dục, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” có ý nghĩa bao phủ nhiều nội dung hoạt động, trong đó, việc nâng cao hoạt động chuyên môn được xác định là “gốc”.
Để phong trào có sức lan tỏa và đạt hiệu quả tốt hơn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương mong thời gian tới, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các nhà trường xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực; yêu cầu phong trào là một trong những nội dung thi đua của đơn vị, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các cơ quan, các doanh nghiệp... đưa giáo dục thực sự là sự nghiệp của toàn dân.
Sau 8 tháng triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, 100% các đơn vị quận huyện, thị xã trên địa bàn đã kết nối, ký kết giao ước, xây dựng nội dung, kế hoạch và lộ trình thực hiện phong trào. 672 trường mầm non, tiểu học, THCS tổ chức gặp gỡ, ký biên bản ghi nhớ song phương; 65 trường THPT và Trung tâm GDNN-GDTX ký cam kết giao ước. Tính đến hết năm học 2022-2023, 160 chuyên đề được tổ chức thực hiện. Ở mức độ cấp trường, 628 chuyên đề được chia sẻ, liên kết thực hiện; tập trung chủ yếu vào những hoạt động hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; các chuyên đề về hoạt động trải nghiệm, kĩ năng sống cho trẻ mầm non; ứng dụng CNTT trong dạy học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, ôn thi học sinh giỏi. Các trường THPT, các Trung tâm GDNN-GDTX đã thực hiện được 30 buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy; kinh nghiệm tổ chức các hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn theo hình thức trực tiếp; thực hiện được 6 buổi chia sẻ kinh nghiệm, dạy học theo hình thức online... |