Trường học Hà Nội thành điểm tránh bão an toàn cho người dân
Trường học Hà Nội khẩn trương ứng phó siêu bão Yagi Trường học sẵn sàng cơ sở vật chất an toàn để tránh, trú bão Sẵn sàng ứng phó với bão số 3 theo phương châm “4 tại chỗ” |
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) đã thực hiện một loạt biện pháp chủ động ứng phó theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và sẵn sàng điều phối các hoạt động phòng, chống bão.
Nhà trường chuẩn bị dây thừng, các phương tiện che chắn, chằng buộc để gia cố những khu vực dễ bị hư hại. Nhân viên bảo vệ, cán bộ trường học được huy động để hỗ trợ trong việc bảo vệ cơ sở vật chất, kiểm tra toàn bộ khuôn viên trường, đặc biệt là những cây xanh lớn có nguy cơ đổ gãy; đồng thời di dời các thiết bị quan trọng như máy tính, hồ sơ, bàn ghế lên các tầng cao để tránh ngập lụt.
Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai thành điểm tránh bão an toàn cho người dân tập thể A7 Tân Mai |
Tại nhiều trường học khác trên địa bàn thành phố, trong ngày 6/9, các giáo viên đã thông tin về bão số 3 tới học sinh và hướng dẫn học sinh kỹ năng ứng phó trong và sau bão; thông tin tới phụ huynh cùng phối hợp bảo đảm an toàn trong ngày mưa bão. Trước đó, nhiều trường đã chủ động thực hiện cắt tỉa cây xanh trong trường từ dịp hè.
Nhiều trường cũng di chuyển tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn. Các trường mầm non di chuyển, chằng buộc những đồ dùng, đồ chơi ngoài trời bảo đảm an toàn.
Trường học được xây mới khang trang hiện đại luôn là điểm lưu trú an toàn của nhiều hộ dân có nhà cửa không kiên cố khi bão ập đến. Ngay trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền, 160 người dân sống tại nhà tập thể A7 Tân Mai đã được chính quyền di dời đến trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai) để đảm bảo an toàn tránh bão.
Quận và phường chuẩn bị chu đáo đồ ăn, nước uống cho người dân tập thể A7 Tân Mai tránh bão |
Được biết, khu tập thể A7 Tân Mai được xây dựng từ năm 1984, đến nay đã tròn 40 năm và đã bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có những vết nứt lớn khiến toàn bộ cầu thang và chiếu nghỉ tách hoàn toàn khỏi khối nhà. Cư dân đang sinh sống tại nhà tập thể A7 hằng ngày phải đối mặt với nỗi lo nguy hiểm khi dãy nhà đã xuống cấp.
Những ngày mưa gió, tất cả các hộ dân, nhất là các hộ ở tầng trên đều thấp thỏm lo sợ do tình trạng thấm dột của mái nhà, nứt vỡ khu vực hành lang. Khu vực cầu thang lên xuống dù không vững chắc nhưng hàng ngày các hộ dân vẫn nổ xe máy để dắt lên căn hộ dẫn đến hiện tượng rung lắc.
Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Mai cho biết: "Ngay sau khi nhận được văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội, nhà trường đã chuẩn bị các phương án để phòng chống cơn bão số 3. Đặc biệt, nhà trường còn được giao nhiệm vụ là địa điểm đón nhận các hộ dân từ nhà tập thể A7 Tân Mai đến tránh bão".
Để thực hiện nhiệm vụ này, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, chăn màn để phục vụ người dân trong thời gian lưu trú tạm thời, bố trí người túc trực để hướng dẫn. Trường chỉ cách khu tập thể A7 khoảng hơn 300m, nên thuận tiện cho người dân di chuyển đây.
Trường mới hoạt động từ năm 2023, có cơ sở vật chất khang trang, trong phòng có điều hoà, đảm bảo sức khoẻ cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Người dân tránh bão ở trường Tiểu học Chương Dương, quận Hoàn Kiếm |
Các trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng đang tích cực phòng chống cơn bão số 3. Trên địa bàn quận, Chương Dương, Phúc Tân là các phường ở ngoài đê, nhiều nhà không được xây dựng kiên cố. Bởi vậy, các trường Tiểu học Chương Dương, Tiểu học Phúc Tân và THCS Chương Dương đang cùng các phường tiếp nhận người dân đến trú bão.
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương cho biết, nhà trường đã tham gia họp với Ban chỉ đạo phòng chống bão của Phường để lên các phương án tối ưu. Cùng với đó, nhà trường đã dọn sạch sẽ 25 phòng học, 4 khu vệ sinh để sẵn sàng đón dân đến sơ tán chống bão.
Cô Đỗ Thị Hồng Nhung - Hiệu trưởng trường Tiểu học Chương Dương cho hay, tại địa điểm cơ sở A của trường tại số 140 phố Vọng Hà có 21 phòng học từ tầng 2 đến tầng 4 được dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ, mỗi tầng có 4 khu vệ sinh, sẵn sàng đón nhân dân địa bàn vào trú tránh bão.
Nhà trường cũng đã tham gia các buổi họp với Ban chỉ đạo phòng chống bão của Phường Chương Dương để phối hợp thực hiện. Đến 14h ngày 7/9, phường Chương Dương đã vận động đưa 59 người đi tránh bão. Trong số này có 2 người được đưa đưa đến Trung tâm y tế quận, 57 người còn lại sơ tán tại trường Tiểu học Chương Dương.
Trước đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án kịp thời và cương quyết đưa những hộ dân đang cư trú ở những khu nhà chung cư xuống cấp, chung cư cao tầng, nhà ở nguy hiểm, nhà riêng lẻ có nguy cơ sụp đổ đến trụ sở UBND phường, xã, trường học kiên cố, an toàn trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền.
Ngày 7/9, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công điện khẩn gửi Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phía Bắc để địa phương chủ động các biện pháp ứng phó. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục và nhân dân, Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT các tỉnh thành phía Bắc căn cứ tình hình thực tế ở địa phương cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn; tuyệt đối không chủ quan với hoàn lưu sau bão. Đối với những cơ sở giáo dục tổ chức học nội trú, bán trú cần có biện pháp bảo đảm an toàn và chuẩn bị lương thực, nước uống cho học sinh tại ký túc xá; không để các em về nhà trong khi mưa bão, mất an toàn. Các đơn vị tiếp tục chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập, lên phương án bảo đảm an toàn các công trình trường học; di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại. Các nhà trường lên phương án dọn vệ sinh trường lớp, có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đảm bảo sạch sẽ, an toàn khi học sinh trở lại trường học và có kế hoạch dạy bù trong thời gian học sinh nghỉ học. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục sẵn sàng điều kiện cơ sở vật chất an toàn cho người dân vào tránh trú bão. |