Tu bổ, tôn tạo di tích đình Giáp Nhất: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội gửi công văn hỏa tốc đề nghị kiểm tra
Giai đoạn 1 đã hoàn thiện xong phần tu bổ đại đình |
Theo công văn của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, đình Giáp Nhất được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 138/QĐ ngày 31/1/1992 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Di tích do UBND quận Thanh Xuân đang trực tiếp quản lý theo quy định phân cấp của UBND TP Hà Nội.
Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Giáp Nhất đã được thẩm định, thỏa thuận dự án tại Công văn số 2192/BVHTTDL-DSVH ngày 11/6/2019 của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Trên cơ sở đó, ngày 22/10/2019, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định phê duyệt dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích đình Giáp Nhất và Quyết định số 2851/QĐ-UBND ngày 30/10/2020 về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công (giai đoạn 1) dự án.
Năm 2023, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (giai đoạn 2) dự án (gồm hạng mục: Miếu giếng, ao, giếng đình, nhà oản, cổng phụ, an hóa vàng, bồn cây) đã được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thẩm định, thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công (giai đoạn 2) dự án tại Công văn số 468/DSVH-DT ngày 22/5/2023.
Đơn vị thi công đang san lấp, mở rộng sân đình, đường đi |
Trạc thải xây dựng đổ xuống ao nhiều khiến người dân không khỏi băn khoăn |
Sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc thi công tu bổ, tôn tạo di tích đình Giáp Nhất (giai đoạn 2) không đúng với hồ sơ tu bổ, tôn tạo đã được phê duyệt; Chặt hạ cây cổ thụ tại di tích... gây bức xúc trong Nhân dân, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo giao chủ đầu tư (UBND phường Nhân Chính) chủ trì, phối hợp các phòng, ban chức năng chuyên môn, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xác minh, đối thoại để làm rõ những nội dung theo phản ánh của Nhân dân và báo chí.
Chủ đầu tư rà soát quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định pháp luật về Di sản văn hóa (Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018, số 67/2022/NĐ-CP ngày 21/9/2022 của Chính phủ; Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Luật Xây dựng và Công văn số 2352/UBND-KGVX ngày 11/6/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc quản lý di vật, hiện vật, xây dựng, phục dựng tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa.
Kết quả thực hiện, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị UBND quận Thanh Xuân tổng hợp, báo cáo bằng văn bản gửi Sở trước ngày 13/10/2023 để tổng hợp, báo cáo, đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, Cục Di sản văn hóa và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo thẩm quyền và quy định; Trả lời đơn thư kiến nghị, phản ánh và cung cấp thông tin tới cơ quan báo chí; Tuyên truyền, công khai để tiếp tục củng cố, tạo thêm đồng thuận, ủng hộ đối với nội dung dự án, tập trung triển khai các bước thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ dự án được phê duyệt…
Sau khi thay ngựa thờ mới, ngựa cũ được đưa ra một góc sân lẫn với đất đá, phơi nắng, phơi mưa |
Trước đó, ngày 9/10, báo Tuổi trẻ Thủ đô có bài: “Còn nhiều ý kiến băn khoăn trong việc tu bổ di tích đình Giáp Nhất”, phản ánh trong quá trình tu bổ di tích đình Giáp Nhất, một số người dân phát hiện việc đổ trạc thải xuống ao, giếng đình; Chặt hạ cây xanh đã được trồng từ nhiều năm trước...
Khi người dân phản ánh sự việc tới đại diện tiểu ban quản lý di tích thì không nhận được trả lời một cách thấu đáo, gây bức xúc trong dư luận.
Sau khi bài viết được đăng tải, báo Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của người dân phường Nhân Chính và bạn đọc.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô xin trích đăng một số ý kiến như sau: Theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2013, việc tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích; Không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Giếng đình, ao đình, cây xanh là cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của di tích gắn liền với quần thể kiến trúc... Việc chặt hạ, di chuyển hơn chục cây xanh trong khuôn viên của đình với lý do cây ngoại lai; Lấp ao, giếng đình thu hẹp vào 2 mét để phục vụ lễ hội 5 làng như vậy có chính đáng hay không, có làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích hay không? Việc xây dựng như vậy có ảnh hưởng đến cảnh quan của di tích hay không? Có vi phạm Luật Di sản văn hóa hay không? Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc./.