Từ ngày 1/1/2021 chính thức chấm dứt dịch vụ đòi nợ thuê
Quang cảnh buổi họp báo
Bài liên quan
Đa số đại biểu Quốc hội muốn cấm dịch vụ đòi nợ thuê
Dịch vụ đòi nợ thuê: Không nên cấm mà cần quản chặt
Ngày 10/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Các luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Tại họp báo, trao đổi về việc tác động của việc bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong Luật Đầu tư (sửa đổi) đến các doanh nghiệp hiện đang được cấp phép hoạt động đòi nợ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ đã được cấp phép vẫn được tiếp tục hoạt động đến thời điểm Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Sau thời gian này, các doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, hầu hết doanh nghiệp nói trên đều đăng ký nhiều hình thức kinh doanh khác, các hình thức kinh doanh này vẫn được hoạt động theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề thực hiện các nội dung của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao Tống Anh Hào nhận định, từ nay đến thời điểm Luật có hiệu lực (ngày 1/1/2021) là thời gian tòa án các cấp cần nỗ lực, khẩn trương bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Do đó, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao vừa ban hành kế hoạch tổ chức triển khai Luật với 3 nhóm vấn đề, gồm: Tuyên truyền, giới thiệu Luật để cơ quan, đơn vị, nhân dân hiểu được lợi ích của Luật; Bồi dưỡng, tập huấn, bổ nhiệm hòa giải viên để khi Luật có hiệu lực thì các tòa án đã có sẵn nhân sự để thực hiện nhiệm vụ; Phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội ban hành quy định hướng dẫn kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại.
Kết luận họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là các luật vừa được Quốc hội thông qua để những luật này từng bước đi vào cuộc sống.