Tuyển sinh trường nghề: Chủ động, linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Hà Nội: Học sinh THPT, trường nghề nghỉ hết 15/3 Trường nghề “lên ngôi”... |
Theo sát diễn biến của thị trường lao động
Năm 2021, trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh là 2.000 sinh viên, trong đó 1.500 sinh viên hệ cao đẳng, 500 sinh viên hệ 9+ (học song song THPT và trung cấp hoặc cao đẳng nghề); 500 chỉ tiêu hệ cao đẳng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Một số nghề mới được nhà trường đưa vào chương trình tuyển sinh năm 2021 để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động như: Kỹ thuật thang máy (đào tạo kết hợp với Hiệp hội thang máy Việt Nam và Công ty Gama Lift); Bảo trì tòa nhà (kết hợp đào tạo với PMC).
Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Thạc sĩ Lê Thị Thu Trang và ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam trong lễ ký kết hợp tác HHT - VNEA tại Hội nghị gắn kết GDNN với thị trường lao động Thủ đô năm 2021 |
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để thích ứng với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội đã sớm xây dựng kế hoạch phương án, phương thức tuyển sinh năm 2021 linh động, có độ mở… dễ dàng cho phụ huynh, học sinh chọn lựa. Mọi phương thức đăng ký, tư vấn, giải đáp, gửi thông tin, kết nối với học sinh hầu như thực hiện online với phương châm nhanh, gọn, linh hoạt và đảm bảo quy định.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tuyển sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như qua mạng xã hội, báo, đài; Ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong công tác tuyển sinh.
Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội thiết lập chuyên trang tuyển sinh trên website của nhà trường, mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để truyền thông, tư vấn tuyển sinh online nhằm tiếp cận với nhiều đối tượng; Xây dựng chương trình, ấn phẩm truyền thông để cung cấp tới học sinh các trường THPT, THCS, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp.
Xác định rõ việc tuyển sinh luôn theo sát diễn biến của thị trường lao động, năm nay, trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội mở rộng tuyển sinh hệ sơ cấp, trung cấp với hơn 1.000 chỉ tiêu, chiếm gần 60% tổng số chỉ tiêu của nhà trường. Đối tượng hướng tới là người lao động phổ thông bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có nhu cầu học nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.
Nắm bắt rõ xu hướng cần nhiều nhân lực công nghệ thông tin để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm tuyển sinh các ngành liên quan đến lĩnh vực này. Một số đơn vị tuyển sinh hàng trăm chỉ tiêu các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, như các trường: Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội; Trung cấp Nghề Kỹ thuật tin học Hà Nội…
Đồng hành, cam kết hỗ trợ, tạo việc làm cho sinh viên
Năm 2021, trường Cao đẳng Y tế Hà Đông tuyển sinh hệ cao đẳng chính quy với 1.100 chỉ tiêu ở 4 ngành: Điều dưỡng, Dược, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y sinh. Để tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh tiếp cận với kế hoạch tuyển sinh, ngoài công khai thông tin tuyển sinh trên website, trường còn thiết lập chuyên trang tuyển sinh qua mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Không chỉ linh hoạt trong đổi mới phương thức tuyển sinh, sự gắn kết với doanh nghiệp, cam kết đồng hành, hỗ trợ, tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là điểm nhấn khiến trường Cao đẳng Y tế Hà Đông nói riêng và nhiều trường nghề trên địa bàn Hà Nội "hút" sinh viên theo học trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều năm nay, trường Cao đẳng Y tế Hà Đông có mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó với các doanh nghiệp, tổ chức và tham gia nhiều ngày hội tư vấn, định hướng nghề để tìm "đầu ra" cho sinh viên.
Thạc sĩ Lê Thị Thu Trang - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Hà Đông cho biết: "Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường luôn là hướng đi bền vững của nhà trường trong giai đoạn hiện nay”. |
Cụ thể, hàng năm, nhà trường đều có gian hàng tư vấn tuyển sinh các ngành, nghề đào tạo: Y sỹ, Dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm, Hộ sinh; Trưng bày mô hình đào tạo…
Đặc biệt, từ năm 2019, trường thí điểm mở thêm ngành Điều dưỡng chất lượng cao có liên kết trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Đức và Nhật Bản. Theo đó, sau khi tốt nghiệp, 100% học viên sẽ được tuyển dụng làm việc tại nước ngoài với mức lương cao.
Nhằm đảm bảo đầu ra cho người học, hơn 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã ký kết hợp tác với 600 doanh nghiệp để thực hiện tuyển sinh, đào tạo nghề.
Ở trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, với 500 chỉ tiêu đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, các sinh viên vào trường học được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động và trả lương, trả toàn bộ chi phí đào tạo cho nhà trường.
Nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp ký hợp đồng đặt hàng sinh viên sau tốt nghiệp để đồng hành trong tuyển sinh (Tập đoàn Hanwha, Công ty PMC, Carhome, Agrimeco, Daikin, Thang máy Gama Lift...). Các doanh nghiệp này đều ký hợp đồng với trường và có những cơ chế chính sách học bổng, tài trợ kinh phí học tập, sinh hoạt, ký hợp đồng với sinh viên tuyển vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Đây là giải pháp đột phá được các phụ huynh và học sinh rất quan tâm.
Nhờ tinh thần chủ động thích ứng, năm 2020, kết quả tuyển sinh, đào tạo nghề của Hà Nội vượt mục tiêu đề ra. Với kinh nghiệm đã tích lũy, năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu tuyển sinh được 220.500 lượt học viên, sinh viên. |