Tuyên truyền hiệu quả về quyền con người
Tập huấn tuyên truyền về quyền con người (Ảnh minh họa) |
Các nội dung tuyên truyền vấn đề nhân quyền phong phú, đa dạng, thiết thực
Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tích cực, chủ động triển khai khá đồng bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng Internet và trên các diễn đàn quốc tế; đã thường xuyên chỉ đạo, định hướng báo chí, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về lĩnh vực nhân quyền, những kết quả, thành tựu đạt được, góp phần đấu tranh, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản đã từng bước tăng cường quản lý, định hướng báo chí trong công tác tuyên truyền vấn đề nhân quyền, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc, bôi nhọ hình ảnh đất nước, gây phức tạp cho công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã duy trì thường xuyên giao ban báo chí hàng tuần để định hướng hoạt động báo chí, kịp thời chỉ ra những hạn chế, những vấn đề cần quan tâm lưu ý trong việc đưa tin, bài trên báo chí; định hướng thông tin những vấn đề quan trọng, các sự kiện tiêu biểu, các vụ việc nhạy cảm, trong đó có những vấn đề liên quan đến công tác nhân quyền.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động chỉ đạo, định hướng hệ thống báo chí bám sát thực tiễn sôi động, tập trung tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, những kết quả đạt được trong chăm lo và đảm bảo quyền con người, đảm bảo tốt hơn tính toàn diện, tính chính xác, tính nhạy cảm trong thông tin, qua đó phản bác lại các thông tin, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch.
Đối với những sự kiện lớn, có liên quan trực tiếp đến vấn đề quyền con người, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí để làm tốt công tác tuyên truyền;
Đồng thời chú trọng chỉ đạo báo chí thực hiện có hiệu quả phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, tiếp tục tuyên truyền về các gương người tốt, việc tốt, các nhân tố tích cực trong việc thực hiện và bảo đảm quyền con người; tránh đưa các tin, bài nặng về các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Đấu tranh phản bác những luận điệu sai sự thật trên lĩnh vực quyền con người
Báo chí cũng đã tuyên truyền những thành tựu của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về nhân quyền, những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động, chương trình nghị sự và tham gia xây dựng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc;
Đấu tranh trực diện với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, sai trái về nhân quyền của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị
Một số báo, đài, tạp chí chủ lực ở Trung ương, địa phương đã xây dựng, duy trì nền nếp chuyên trang, chuyên mục đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, đề án tuyên truyền về Nhân quyền trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, viết và đăng tải hàng nghìn tin, bài, tập trung đấu tranh phản bác các thông tin bịa đặt, xuyên tạc.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 48 triệu người sử dụng Facebook, trong đó có 30 triệu người sử dụng thường xuyên. Việt Nam cũng là 1 trong top 10 nước có lượng người dùng Youtube cao nhất thế giới. Chính vì thế, tuyên truyền trên internet và mạng xã hội có hiệu quả rất lớn trong tình hình hiện nay. Ở đây tin tức có thể chia sẻ, lưu truyền nhanh chóng và có tính đối thoại với người đọc, người xem có thể cho ý kiến hoặc thảo luận với nhau.
Do đó, công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội, internet càng được chú trọng. Các cơ quan chức năng đã chủ động mời đại diện của Google, Facebook sang làm việc, đàm phán ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nội dung tuyên truyền còn nhấn mạnh vào việc Việt Nam cam kết bảo vệ, thúc đẩy, quyền con người trong tình hình mới; ủng hộ hợp tác quốc tế và cách tiếp cận đa phương nhằm ứng phó hiệu quả và phục hồi sau đại dịch; coi trọng các chính sách ổn định kinh tế - xã hội, các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân Việt Nam; khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đã đạt được những thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế tin tưởng, đánh giá cao.
Đặc biệt, năm 2020, trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn do đại dịch Covid-19, báo chí đã nỗ lực ứng biến, linh hoạt và sáng tạo để mang đến những sản phẩm truyền thông tiêu biểu về đề tài quyền con người.