Tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính ở Việt Nam khoảng 6 - 7%
Nhiều trẻ em dân tộc thiếu số bị suy dinh dưỡng, thấp còi do ăn uống thiếu chất
Bài liên quan
Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam còn cao, bổ sung vi chất vào sữa học đường là cần thiết
Gia Lai: Hàng trăm trường hợp đã chết nhưng vẫn phát sinh thẻ Bảo hiểm y tế
Cùng trẻ em khám phá Đông Nam Á tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Hơn 270.000 tỷ đồng đầu tư cho miền núi: Cần đầu tư trọng tâm, mang lại hiệu quả cao
Gần 1/3 trẻ em dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, suy dinh dưỡng thấp còi là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, suy giảm sức khỏe lúc còn nhỏ và khi trưởng thành, giảm khả năng học tập và năng suất lao động, tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư ... sau này.
Độ tuổi từ 0-3 tuổi là giai đoạn trẻ dễ mắc suy dinh dưỡng thấp còi nhất nếu không được chăm sóc đủ dinh dưỡng và chất lượng thức ăn không đảm bảo. Những nguyên nhân trực tiếp gây ra việc này là tình trạng thiếu ăn, bệnh tật và đói nghèo.
Với các chương trình tăng cường y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu (bao gồm các dịch vụ dinh dưỡng), tỷ lệ suy dinh dưỡng trên toàn quốc đã giảm đáng kể trong 20 năm qua. Tuy nhiên, đến nay, suy dinh dưỡng vẫn là vấn đề nghiêm trọng trong nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Nguyên nhân được xác định là do, chất lượng chế độ ăn của trẻ dân tộc thiểu số (6 - 23 tháng tuổi) kém. Thậm chí ở nhiều bản làng vùng cao, gia đình có gì thì cho trẻ nhỏ ăn đó chứ hoàn toàn không có chế độ dinh dưỡng riêng cho trẻ. Với nhiều hộ nghèo, nhà xa chợ… cả tuần đứa trẻ có thể không được ăn bữa thịt, cá nào.
Không chỉ có chế độ ăn kém, trẻ dân tộc thiểu số còn được sinh ra bởi những người mẹ còn quá trẻ (15 - 19 tuổi); không ít bà mẹ tự sinh con tại nhà trong điều kiện vệ sinh chưa tốt. Bên cạnh đó, những hạn chế về ngôn ngữ, văn hóa, thông tin cũng là nguyên nhân khiến các gia đình dân tộc thiểu số chưa ý thức được việc cần phải bổ sung dinh dưỡng cho con trẻ vào 1.000 ngày đầu đời – quãng thời gian được xem là Giai đoạn vàng cho sự phát triển chiều cao, cân nặng, trí tuệ của trẻ. Đây chính là những nguyên nhân căn bản dẫn đến việc, vẫn còn gần 1/3 trẻ em dân số thiểu số bị ảnh hưởng bởi suy dinh dưỡng thấp còi.
Dinh dưỡng là 1 trong 10 ưu tiên Quốc gia trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Việt Nam cũng đã có nhiều chiến lược, phong trào, chính sách về dinh dưỡng. Vậy nhưng thực tế, chúng ta chưa có gói can thiệp dinh dưỡng tối thiểu dành cho nhóm dân số dễ tổn thương (trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số); các chương trình can thiệp dinh dưỡng trực tiếp cũng không hướng tới Giai đoạn vàng hay tập trung cho các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi có gánh nặng suy dinh dưỡng thấp còi nhiều nhất. Thêm vào đó, các gói can thiệp dinh dưỡng hiện tại cũng có độ bao phủ thấp, nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số hầu như chưa từng được tiếp cận với các gói can thiệp dinh dưỡng này.
Ảnh hưởng đến nguồn nhân lực tương lai của Quốc gia
Thực tế hiện nay, nhiều người dân không hiểu rõ tình trạng suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em sẽ có tác động như thế nào đến sự phát triển trí não, cũng như khả năng học tập của trẻ em, và nhìn xa hơn thì tình trạng này có tác động đến hệ thống y tế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
TS. BS Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế cho biết, có nhiều nhầm lẫn khác nhau về khái niệm suy dinh dưỡng và cái mà chúng ta đề cập đến trong Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này là thể suy dinh dưỡng nào. Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng do bệnh tật hoặc do thiếu ăn, ảnh hưởng đến các sự phát triển thể chất và trí tuệ của cơ thể.
Suy dinh dưỡng được chia thành 2 thể: Suy dinh dưỡng cấp tính và suy dinh dưỡng mãn tính. Cấp tính là thể suy dinh dưỡng cân nặng thiếu so với chiều cao ở đối tượng đó, và có thể gọi là suy dinh dưỡng gầy còm. Còn suy dinh dưỡng mãn tính ảnh hưởng đến chiều cao so với tuổi của đối tượng, còn gọi là suy dinh dưỡng thấp còi. Các tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi được đưa vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Suy dinh dưỡng cấp tính được xác định theo cân nặng, chiều cao của đối tượng đó dưới -2 đơn vị đạt chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vòng cánh tay của bé dưới 12cm. Thể nặng của đối tượng dưới -3 đơn vị đạt chuẩn, vòng cánh tay của bé dưới 11cm hoặc bệnh nhân có biểu hiện phù, teo đét.
Suy dinh dưỡng cấp tính có nguyên nhân bởi tình trạng thiếu ăn và bệnh tật phổ biến như tiêu chảy hoặc viêm phổi ở trẻ em. Vì vậy tỷ lệ này sẽ tăng cao, rất cao trong trường hợp thiếu an ninh lương thực thực phẩm hoặc bệnh dịch nào đó.
TS.BS Huỳnh Nam Phương cho biết thêm, hiện tại tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính ở Việt Nam khoảng 6 - 7%, mỗi năm chúng ta phải đối phó với 700.000 ca suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó thể nặng 230.000 ca cần được điều trị. Sự phân bố của suy dinh dưỡng cấp tính theo vùng miền: cao ở vùng miền núi phía Bắc (20.000 ca), Tây Nguyên (38.000 ca), vùng dân tộc thiểu số (50.000 ca). Hậu quả của suy dinh dưỡng đối với trẻ em cao gấp 9-20 lần so với trẻ bình thường và nguy cơ mắc các bệnh khác về nhiễm khuẩn hoặc hồi phục sẽ chậm và ảnh hưởng lâu dài đến trí tuệ, thể chất, khả năng học tập, rộng hơn là ảnh hưởng đến các chi phí của gia đình, xã hội cũng như quốc gia.