Ứng phó với mưa dông lốc sét do ảnh hưởng cơn bão Noru
Tăng cường ứng trực phòng bão Noru
Ông Cao Văn Hiệp - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đã yêu cầu các Đội Thanh tra giao thông trực thuộc tại địa bàn các quận, huyện tăng cường ứng trực phòng bão Noru.
Cụ thể, các Đội Thanh tra giao thông trực thuộc chủ động bố trí lực lượng, phương tiện trực đảm bảo trật tự an toàn giao thông ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 Noru.
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão, Hà Nội có thể có mưa rào và dông, cục bộ mưa to trong ngày 28/9, 29/9. Ảnh minh hoạ |
Theo đó, các Đội Thanh tra GTVT trực thuộc chủ động bố trí quân số ứng trực theo phương án phân công của đơn vị; sẵn sàng nhận nhiệm vụ phòng chống lụt, bão; Kiểm tra, gia cố lại trụ sở đơn vị đảm bảo an toàn sau khi cơn bão số 4 Noru đổ bộ về.
Sau mưa, triển khai ngay lực lượng nắm bắt tình hình úng ngập, cây xanh, cột điện gãy đổ, hư hỏng hệ thống biển báo, kết cấu hạ tầng giao thông.
Cùng đó, bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng chức năng phân luồng, chống ùn tắc giao thông tại các điểm nước ngập, xử lý sự cố giao thông; huy động phương tiện đưa người dân qua khu vực ngập nước.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tai nạn trong khu vực; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời,
Đội trưởng các Đội Thanh tra GTVT địa bàn có công trình đang thi công, yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống bão, đảm bảo tuyệt đối trật tự ATGT tại khu vực thi công (rào chắn, biển bảo, người trực) hướng dẫn giao thông trước, trong và sau cơn bão số 4 Noru.
Các Đội TTGT Gia Lâm, Đường thủy nội địa ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chung chủ động kiểm tra ngay các phương tiện thủy của đơn vị đang neo đậu trên sông hồ; gia cố chằng buộc, di chuyển các phương tiện thủy của đơn vị vào nơi an toàn, đảm bảo không thiệt hại khi mưa lớn đổ bộ vào Hà Nội.
Ngoài ra, kiểm tra, nhắc nhở các chủ bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, các khu vui chơi giải trí, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động có biện pháp để đảm bảo an toàn cho tài sản và phương tiện.
"Trong thời gian ứng trực, yêu cầu các cán bộ, công chức, thanh tra viên sử dụng bộ đàm để liên lạc, không tắt điện thoại di động, đảm bảo thông tin liên lạc 24h/24h. Không giải quyết chế độ nghỉ phép cho cán bộ, thanh tra viên, nhân viên trong thời gian ứng trực phòng, chống cơn bão số 4 Noru", ông Cao Văn Hiệp - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội yêu cầu.
Đề phòng ứng ngập sau khi bão Noru suy yếu
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế, bão số 4 đã suy yếu và tan dần trong chiều 28/9.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng hoàn lưu bão, lượng mưa phổ biến tại khu vực Bắc Trung Bộ 70-150mm, có nơi cao hơn 150mm. Khu vực đồng bằng, ven biển khu vực Bắc Bộ 50-100mm, có nơi cao hơn 100mm.
Dự báo Hà Nội mưa rào và dông, cục bộ mưa to |
Thành phố Hà Nội từ chiều tối 28 đến ngày 30/9 có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Tổng lượng mưa tại khu vực trung tâm và các huyện phía Tây thành phố 50-80mm; các huyện phía Bắc 40-70mm; các huyện phía Nam 70-120mm.
Trong mưa dông, Hà Nội có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Người dân Thủ đô đề phòng nguy cơ xảy ra ngập úng tại các khu đô thị, vùng trũng thấp, ven sông...
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, dông và ngập úng có thể xảy ra, ngày 28/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, diễn biến thời tiết để thông báo, hướng dẫn người dân kịp thời chủ động phòng tránh.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát, triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du hồ đập, nhất là công tác chuẩn bị và triển khai trên thực tế theo phương châm "4 tại chỗ".
Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã tổ chức lực lượng và tuần tra, canh gác bảo vệ công trình theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu sự cố đê điều, thủy lợi; rà soát các công trình đang thi công trong phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi; triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình khi xảy ra mưa lũ.
Các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Đồng thời, chủ động khơi thông dòng chảy, tua vớt rác tại các miệng thu hố ga để bảo đảm tiêu thoát nước nhanh chóng, kịp thời, sẵn sàng triển khai các phương án phòng, chống ngập úng khu đô thị, vùng trũng thấp, xử lý các sự cố công trình ngay từ khi mới phát sinh để bảo đảm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại...