Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo điểm nhấn đầu tư các công trình văn hóa
Nhiều điểm mới trong đầu tư, phát triển văn hóa
Thường Tín có hệ thống quần thể di tích lịch sử văn hóa với 462 công trình tôn giáo và tín ngưỡng, với 61 di tích cấp quốc gia, 65 di tích cấp thành phố. Trong đó, có nhiều di tích nổi tiếng như chùa Đậu; Đền, bến Chương Dương; Nhà thờ Nguyễn Trãi… Đồng thời trên địa bàn huyện có hàng trăm lễ hội, với nhiều lễ hội tiêu biểu, đặc sắc.
Để phát huy giá trị các tài nguyên văn hóa, HĐND huyện Thường Tín đã ban hành nghị quyết hằng năm giành 1% chi ngân sách cho đầu tư tu bổ di tích. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 đã và đang tu bổ tôn tạo 59 di tích văn hóa lịch sử với tổng kinh phí dự kiến 740 tỷ đồng.
Đoàn giám sát khảo sát tiến độ thực hiện dự án dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê |
Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy đã triển khai hiệu quả việc huy động và đầu tư các nguồn lực trong phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa. Tiêu biểu như: Dự án xây dựng Văn Từ Thượng Phúc, xã Văn Bình với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa; Dự án “Xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín” đang thực hiện trên diện tích 2,7ha với tổng mức đầu tư ban đầu là 193 tỷ đồng; Dự án xây dựng vườn hoa Nguyễn Du tại thị trấn Thường Tín với diện tích khoảng 1,5ha; Các vườn hoa tại các xã; Chỉnh trang xây dựng các cửa ngõ vào huyện.
Ngoài ra, các xã, thị trấn chủ động huy động từ nguồn xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích; Tiêu biểu như: Đình Triều Đông (xã Tân Minh), chùa Nỏ Bạn (xã Vân Tảo); Chùa Thượng Cung (xã Tiền Phong)...
Các địa phương, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong huyện cũng rất tích cực huy động các nguồn xã hội hóa, phát tâm công đức và Nhân dân đóng góp hàng vạn ngày công lao động cho công tác tu bổ, tôn tạo tại các di tích.
Nhiều di tích được bảo tồn, tu bổ đảm bảo các yêu cầu về khoa học, tính nguyên gốc và phát huy tốt giá trị, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân, đồng thời khai thác có hiệu quả cho phát triển du lịch như: Nhà bia Nguyễn Ý, chùa Vân La (xã Hồng Vân), khu lăng đá Quận Vân (xã Vân Tảo); Nhà thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê), đền Quán Thánh (xã Thống Nhất); đình làng Mui (xã Tô Hiệu); Chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi)…
Tránh tình trạng phát triển sự nghiệp văn hóa không đồng đều
Tại buổi kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội (khoá XVII) về “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” mới đây, Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá, huyện Thường Tín đã có nhiều điểm mới trong đầu tư, phát triển công trình, nhà văn hóa, phát triển hạ tầng xã hội; Kêu gọi nguồn lực xã hội hóa cho một số công trình văn hóa trọng điểm.
Có thể nói, huyện Thường Tín đang xây dựng thương hiệu “Đất danh hương, đất trăm nghề” với việc chọn nhóm các vấn đề lớn để triển khai đầu tư; Ưu tiên chọn các dự án di tích đặc trưng, đặc sắc để đầu tư trùng tu, tôn tạo; Đồng thời phát triển dịch vụ văn hóa, phát triển loại hình nghệ thuật…
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi kiểm tra |
Phát huy những kết quả trên, thành viên Đoàn giám sát đề nghị huyện Thường Tín tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng các chỉ tiêu về phát triển văn hóa, ưu tiên chỉ đạo các xã có điều kiện khó khăn, tránh tình trạng phát triển sự nghiệp văn hóa không đồng đều. Trong phát triển các làng nghề, sinh thái để thu hút du lịch, phát triển dịch vụ, huyện cần lưu ý không để nảy sinh những vi phạm về đất đai; Bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, nhất là ở các làng nghề; Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, phân công rõ người, rõ việc…
Trước mắt, huyện tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội (khoá XVII) bằng cách làm phù hợp với mục tiêu “Phát triển văn hóa là liên tục, không có điểm dừng”. Vì vậy, huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa bền vững; Tạo sự thụ hưởng thiết thực đến từng người dân. Ngoài ra, huyện cần khai thác, phát huy thế mạnh nhiều di tích lịch sử văn hóa, làng nghề để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch.
Đối với đầu tư các dự án về văn hóa, huyện cần rà soát dự án, quy hoạch tổng thể và thực hiện thứ tự ưu tiên đầu tư, tạo điểm nhấn về kết quả trong bức tranh tổng thể về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.