Vẫn còn khoảng trống trong triển khai các giải pháp phòng, chống dịch
Sáng 8/12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, các đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội; Thực ngân sách; Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; Công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.
Còn khoảng trống trong tuyên truyền các giải pháp chống dịch
Đại biểu Nguyễn Lan Hương thảo luận tại hội trường |
Đại biểu Nguyễn Lan Hương (tổ Quốc Oai) cho rằng bên cạnh những thành tích đã làm tốt, đâu đó ở cấp cơ sở vẫn còn khoảng trống tuyên truyền , khiến những chính sách của TP truyền xuống chưa kịp thời, dẫn đến sự phối hợp đồng bộ.
"Nhiều khi người dân cũng hoang mang, cần thiết là tìm kiếm thông tin trên mạng, ra hỏi các quy định thì phường bảo chờ TP, quận, thành ra người dân gặp nhiều lúng túng”, bà Hương nêu, và cho rằng, nên chăng cần quan tâm hơn nữa tới công tác truyền thông, đảm bảo các quy định, cơ chế đến với người dân nhanh nhất.
Đại biểu Nguyễn Lan Hương cho rằng, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp đã được hỗ trợ rất nhiều từ các chính sách của TP, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái... Theo bà Hương, nông nghiệp Thủ đô có thể phát triển hơn nữa (đặc biệt về giống, công nghệ) và các doanh nghiệp cũng sẵn sàng đầu tư. TP cần tập trung có chỉ đạo sát sao để phát triển nông nghiệp rõ nét, hiệu quả hơn.
Ngoài ngành Nông nghiệp, TP cũng cần có chính sách hỗ trợ ngành Công thương phát triển hệ thống phân phối bán lẻ. Bởi thực tế chống dịch thời gian qua cho thấy hai ngành này đã khẳng định ưu thế của mình.
Đại biểu Lê Thị Thu Hằng (tổ Tây Hồ) cho biết, tại phiên thảo luận tại tổ các đại biểu ghi nhận công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của TP trong năm qua, nhất là công tác phòng, chống dịch, từ việc nhận diện, nghiên cứu đưa ra quyết đáp hợp lý, kịp thời.
Theo đại biểu, nếu để đánh giá kết quả trong năm qua, phải đánh giá trong bối cảnh thực hiện “nhiệm vụ kép”, với khối lượng công việc tăng gấp nhiều lần. Câu chuyện chống dịch năm 2021 cũng khác với năm 2020, không còn tư tưởng “Zero COVID” mà ở trạng thái bình thường mới. TP đã thực hiện phương châm phân cấp cho cơ sở, chủ động "4 tại chỗ". Tuy nhiên, việc thực hiện điều trị F0 tại nhà sẽ khiến các quận, huyện gặp nhiều khó khăn. Đại biểu mong muốn UBND, ngành Y tế, các địa phương vào cuộc song quan trọng là phải có sự vào cuộc đồng bộ, quan tâm đầu tư kinh phí...
Quan tâm hơn nữa tới doanh nghiệp
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Mê Linh) bày tỏ, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô đang mong muốn có sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát cả về vật chất lẫn tinh thần từ TP. Vì vậy, TP nên có chính sách động viên lãnh đạo các cấp để họ thực hiện các nhiệm vụ trong hỗ trợ doanh nghiệp một cách quyết liệt, đột phá hơn.
Về quy hoạch chung của Thủ đô, đại biểu Đoàn cho rằng quy hoạch chung chưa đi trước một bước. “Đi về các vùng nông thôn, tôi thấy quy hoạch chưa được như mong muốn, tình trạng ô nhiễm môi trường, xây dựng lấn chiếm vẫn còn. Nếu như chúng ta không quy hoạch sớm thì dễ rơi vào tình trạng lộn xộn…”, đại biểu Phạm Đình Đoàn nêu; Đồng thời mong muốn TP triển khai nhanh việc này, cần thiết nên thuê chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ, với mục tiêu là xây dựng đô thị thông minh.
Ngoài ra theo đại biểu, qua tiếp xúc cử tri, ghi nhận người dân còn tâm tư với nhiều vụ khiếu kiện khéo dài. Nhiều vụ kéo dài 10 - 15 năm, cần có cơ chế giải quyết dứt điểm, để người dân ngày càng yên tâm tin tưởng vào chính sách của TP.
Đại biểu Nguyễn Bích Thủy nêu ý kiến thảo luận |
Đại biểu Nguyễn Bích Thủy (tổ Cầu Giấy) ghi nhận thời gian qua, TP đã có chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính, có nhiều giải pháp tăng cường cường các thủ tục hành chính song một vài chỉ số cải cách hành chính trong năm qua vẫn xếp ở thứ hạnh xa so với một số tỉnh, thành. Vì vậy, báo cáo cần làm rõ hơn công tác cải cách hành chính trong giai đoạn thích ứng linh hoạt trên các lĩnh vực như: Phòng chống dịch, dạy và học, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Đàm Văn Huân (tổ Gia Lâm) cho rằng, TP đã rất kịp thời linh hoạt và phát huy tốt vai trò đội ngũ Nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học, nên đề nghị tiếp tục khai thác tiềm năng đội ngũ nhân sỹ trí thức rất đặc trưng và đông đảo của Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch này.
Liên quan đến vấn đề môi trường, các đại biểu cho rằng, TP cần có giải pháp cấp bách giải quyết ô nhiễm môi trường như bụi mịn, rác sinh hoạt, ô nhiễm các dòng sông… Trong đó cần có cơ chế giá thu gom xử lý rác thải theo cách ai xả nhiều thì trả phí nhiều, mới có thể kiểm soát việc dân xả thải ra môi trường.